Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc tiêm vaccine cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ I để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ II.
Theo đề xuất của Sở GD&ĐT, đối tượng được tiêm là học sinh, có độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi (lớp 7 - lớp 12), bao gồm cả giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, trung cấp, cao đẳng trực thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Theo đó, số lượng học sinh thuộc diện được tiêm vaccine là hơn 642.000 em.
Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất tiêm vaccine cho học sinh 12-18 tuổi để trở lại học trực tiếp tại trường. Nguồn: SGGP |
Mục đích của việc tiêm chủng nhằm đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến.
Việc tiêm chủng còn nhằm giúp học sinh thành phố được an toàn, an tâm và tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện trong năm học 2021-2022, giữ vững chất lượng giáo dục của ngành giáo dục TP.
Được biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị đầy đủ cho việc dạy học qua internet đến hết học kỳ I.
Trước đó, ngày 30/8, Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, UBND TP đồng ý miễn học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 cho tất cả học sinh để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh. Giám đốc Sở GD&ĐT TP thông tin trong chương trình và cho biết việc này được áp dụng với hệ thống trường công lập.
Chính sách miễn học phí thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó để học sinh không phải đóng học phí, thành phố sẽ thực hiện cấp bù bằng ngân sách. Ở các trường ngoài công lập (tư thục, quốc tế), học phí do nhà trường thoả thuận với phụ huynh.
Sở GD&ĐT đã trao đổi với các trường từ đầu năm học, đề nghị không tăng học phí nhưng nhiều trường vẫn đề xuất tăng 5 - 10%. Lý do trường đưa ra là nhiều chi phí phát sinh khi duy trì việc dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí giữ chân giáo viên.