Theo đó, khi ghi nhận ca mắc Covid-19 (F0), bước đầu tiên tổ y tế của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện giám sát tạm thời F0 ở khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.
Trung tâm y tế TP Thủ Đức xét tầm soát SARS-CoV-2 cho hơn 3000 công nhân tại công ty Nidec Sankyo thuộc khu công nghệ cao TP Thủ Đức. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh |
Bước hai, cơ quan y tế đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhân viên y tế sẽ tư vấn và hướng dẫn ca nhiễm tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện). Nếu không đủ điều kiện, F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung tại phường, xã, quận, huyện hoặc địa điểm cách ly có thu phí).
Bước ba, tổ y tế của cơ sở kinh doanh, sản xuất nhập thông tin F0 vào ứng dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19" đối với đơn vị có cơ sở cách ly tập trung. Đơn vị không có cơ sở cách ly sẽ báo thông tin F0 về trung tâm y tế quận huyện nơi doanh nghiệp hoạt động.
Bước bốn, tổ y tế, Ban chỉ đạo phòng chống Covid của cơ sở kinh doanh, sản xuất tạm ngưng hoạt động khu vực xuất hiện ca nhiễm để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm tất cả F1 (theo quy mô ổ dịch), điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch.
Nếu F0 ở 1 dây chuyền sản xuất thì xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý trên quy mô toàn phân xưởng. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và không có mối liên quan dịch tễ với nhau thì chỉ xử lý trong quy mô từng dây chuyền. Trong trường hợp F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý trên quy mô toàn cơ sở sản xuất.
F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như làm việc cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc...
Về việc theo dõi F1, nếu cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ thì tất cả F1 tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7, tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0.
Quy trình xử lý của Sở Y tế cũng hướng dẫn trường hợp cơ sở sản xuất có dưới 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ, thì đối với F1 chưa được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ phải cách ly 14 ngày tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly, xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. Còn đối với F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ thì xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động đã tiêm đủ vaccine.
Học sinh được hỗ trợ học phí cao nhất 200.000 đồng/tháng Chiều 2/11, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND TP về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Cụ thể, TP sẽ hỗ trợ cho các đối tượng là trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên đang học các cơ sở giáo dục tại TP (không bao gồm học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Mức hỗ trợ thực hiện một lần theo số tháng thực học, theo nhóm. Trong đó, nhóm 1 là học sinh tại TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2: học sinh tại các trường ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Cụ thể, với nhóm 1, mức hỗ trợ học phí cao nhất là cấp nhà trẻ: 200.000 đồng/học sinh/tháng; thấp nhất là cấp bổ túc Trung học cơ sở (THCS) và THCS: 60.000 đồng/tháng. Với nhóm 2: Mức hỗ trợ học phí cao nhất vẫn là cấp nhà trẻ, nhưng chỉ 120.000 đồng/học sinh/tháng; thấp nhất cũng là cấp bổ túc THCS và THCS: 30.000 đồng/tháng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí ngân sách, TP sẽ hỗ trợ học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 (từ tháng 9 đến tháng 12/2021) cho các cơ sở giáo dục công lập có tổ chức dạy cho bậc THCS, bổ túc THCS là 40.000 đồng/học sinh/tháng với nhóm 1; nhóm 2 là 55.000 đồng/học sinh/tháng. |