Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp trả lương thế nào cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi các DN hoạt động trên địa bàn, để hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ) trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19.

 Hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh về việc trả lương, chế độ cho NLĐ trong thời gian ngừng việc bởi dịch Covid-19. 
Theo đó, do tác động bởi dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh, doanh của nhiều DN gặp khó khăn, có DN phải tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất, một số NLĐ phải ngừng việc xuất phát do tác động trực tiếp của dịch, như: (i) lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại DN làm việc trong thời gian có dịch theo quy định; (ii) NLĐ phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; (iii) NLĐ phải ngừng việc do DN, bộ phận DN không vận hành được vì những NLĐ khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hoặc (iv) DN gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho NLĐ.
Từ thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các DN trên địa bàn TP thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ đối với NLĐ theo đúng quy định của pháp luật lao động.
Theo đó, việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại điều 98 Bộ luật Lao động (BLLĐ) để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay NLĐ, hoặc do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ. Việc trả lương ngừng việc trong thời gian ngừng việc được thực hiện theo các bước: Đối với trường hợp NLĐ hoặc phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như tại điểm (i), (ii), (iii) nêu trên, thì tiền lương của NLĐ trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 điều 98 BLLĐ (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Cụ thể, tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động  (HĐLĐ), trong đó mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau: Vùng 1 mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè; vùng 2 mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Đối với DN gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại điều 31 BLLĐ; nếu thời gian ngừng việc kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của DN, thì người sử dụng lao động và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định tại điều 32 BLLĐ; nếu DN phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo điều 38 hoặc điều 44 BLLĐ.
“Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh thắc mắc, đề nghị DN phản ánh về một trong các cơ quan: Sở LĐ-TB&XH TP; Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện nơi DN đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh; Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP (đối với các DN hoạt động trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao)”, hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh nêu.