10 chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động
Chiều 23/11, LĐLD TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị nhằm thông tin về kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đối với công nhân, người lao động (NLĐ) tại các khu chế xuất, các doanh nghiệp (DN).
Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh, quan hệ lao động khu vực DN ngoài nhà nước tiếp tục có những khó khăn, nhất là tại các DN ngành hàng da giày, dệt may, gỗ… ít đơn hàng, giảm việc làm, thậm chí cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm 2022 và cận Tết Nguyên đán năm 2023, làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân lao động.
Trước tình hình trên, từ tháng 9/2022, Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã ban hành Kế hoạch tổ chức chăm lo cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”.
Cụ thể, LĐLĐ TP sẽ tổ chức 10 chương trình chăm lo cho công nhân, NLĐ, như: Chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” cho 10.000 hộ gia đình ĐVCĐ, NLĐ (1 triệu đồng/hộ, tiền mặt 700.000 đồng và quà 300.000 đồng) tại các DN có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết; Chương trình “Gia đình công nhân vui Tết cùng TP” lần 2, đối tượng là 5.000 hộ gia đình đoàn viên, lao động tiêu biểu ở lại TP đón Tết Quý Mão 2023. Họ là công nhân trực tiếp sản xuất không có điều kiện về quê đón Tết (mỗi gia đình được xét chọn sẽ nhận được gói tham gia chương trình, gồm vé vào cổng Công viên Văn hóa Đầm Sen, được tham gia miễn phí tất cả các trò chơi và 4 suất ăn miễn phí); Chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, tặng 30.000 - 35.000 vé xe đò, tàu hỏa, máy bay cho ĐVCĐ, NLĐ, trong đó tổ chức “Chuyến tàu mùa xuân” lần thứ 3 cho 500 hộ gia đình ĐVCĐ (2.000 người) tại các khu chế xuất.
Ngoài những chương trình nêu trên, theo ông Phạm Chí Tâm, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh còn tổ chức họp mặt, tặng quà cho 3.000 ĐVCĐ (700.000 đồng/đoàn viên) thuộc 147 nghiệp đoàn (2 triệu đồng/tập thể), có hoàn cảnh khó khăn trực thuộc LĐLĐ TP Thủ Đức và các quận, huyện. Thăm và chúc Tết đối với 4 DN thực hiện tốt các chính sách về lao động; 12 đơn vị có môi trường làm việc khó khăn; 960 ĐVCĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 104 hộ gia đình ĐVCĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức thăm 40 chủ nhà trọ và tặng quà trị giá 3 triệu đồng/phần quà, nhằm ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của họ đã đồng hành cùng tổ chức công đoàn, hỗ trợ và chăm lo tốt cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch Covid-19.
Hơn 2.600 công nhân mất việc
“Năm nay, LĐLĐ TP còn phối hợp với báo Người Lao Động vận động các đơn vị, mạnh thường quân chăm chăm lo cho 300 cháu có cha/mẹ là ĐVCĐ mất do dịch Covid-19 và 120 cháu là con công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học tốt thuộc công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Có một điểm mới của chương trình chăm lo Tết Quý Mão năm 2023 là, tổ chức họp mặt công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết”, ông Phạm Chí Tâm cho biết thêm.
Theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, tổng kinh phí của 10 chương trình khoảng 140 tỷ đồng. Hiện LĐLĐ TP đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện và TP Thủ Đức lập danh sách gửi lên. Đến nay số lượng chưa thể chốt lại, và sẽ điều chỉnh theo thực tế phát sinh. Đối với chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, năm ngoái dự kiến hỗ trợ 30.000 - 35.000 vé các loại, nhưng sau đó giảm xuống vì công nhân quay trở lại sản xuất ngay sau khi Tết.
Về vấn đề NLĐ mất việc nhưng đã về quê có được chăm lo không? Đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ TP đã giới thiệu được bao nhiêu lao động mất việc cho các DN? Ông Trần Đoàn Trung nói: “Giới thiệu việc làm không phải chức năng chính của LĐLĐ, nhưng LĐLĐ vẫn tham gia. Ví dụ, vừa qua công nhân ở Công ty Tỷ Hùng mất việc, công đoàn cơ sở đã thông qua đầu mối và giới thiệu cho Công ty An Phước, nhưng chỉ giải quyết được vài chục lao động, vì thị trường lao động hiện nay rất không dễ dàng khi chuyển từ nơi này sang nơi khác có cùng ngành nghề. Do đó, kênh chính để giới thiệu việc làm cho công nhân lao động là thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”.
Cũng theo ông Trung, về số liệu NLĐ đã ngừng việc, theo thống kê có trên 2.600 người, và những lao động này đã được hỗ trợ theo quy định của pháp luật lao động, nên khi họ đã về quê thì không thể được hưởng chế độ chăm lo.
“Về vấn đề lương, thưởng Tết chậm nhất vào ngày 25/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có báo cáo. Riêng LĐLĐ TP đã chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện và TP Thủ Đức theo dõi sát tình hình chi trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán. Sớm có thông báo công khai thời gian trả lương, thưởng và lịch nghỉ Tết của DN để NLĐ an tâm sản xuất. Tổ chức công đoàn TP chủ động phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương rà soát và nắm chắc danh sách các DN đang khó khăn (nợ BHXH, thường xuyên chậm trả lương hoặc đang nợ lương NLĐ, DN thông báo không có khả năng chi trả lương, thưởng Tết…) để có phương án giải quyết và hỗ trợ chăm lo Tết kịp thời cho ĐVCĐ và công nhân lao động”, ông Trần Đoàn Trung nói thêm.
“Đến thời điểm hiện tại, toàn TP có hơn 50.150 công nhân của 143 DN bị ảnh hưởng (giảm giờ lao động, giảm thu nhập). Con số này có thể thay đổi vì liên quan đến phương án sản xuất của các DN. Nếu DN có đơn hàng trở lại thì tình hình sẽ tốt hơn, vì đây là mùa cao điểm của tiêu dùng, mua sắm thì không DN nào muốn công nhân nghỉ việc hoặc thiếu việc làm”, ông Trần Đoàn Trung nói.