Tại tất cả các trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngay từ khi có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại học trực tiếp, Ban Giám hiệu các trường đã tổ chức vệ sinh, khử khuẩn tất cả phòng ốc, thiết bị, trong và ngoài khuôn viên. Đồng thời tổ chức họp cha mẹ học sinh để thông báo tình hình Covid-19, các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường khi phụ huynh cho con em mình trở lại học trực tiếp.
Đối với khối trẻ mầm non, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong tuần đầu nhà trường tạm thời chưa tổ chức cho các bé ăn sáng mà do cha mẹ các bé cho ăn từ nhà rồi mới đưa đến trường để làm quen. Tuần đầu tiên chủ yếu dành để các cô đón trẻ, thực hiện các bước tầm soát để các bé làm quen với môi trường. Từ ngày 1/3, tùy thực trạng từng trường, từng địa phương lúc đó sẽ mở rộng ra các cơ sở giáo dục khác.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, sáng nay tại nhiều trường Mầm non, công tác tiếp đón trẻ được tổ chức rất chu đáo, cha mẹ các bé đưa con đến trường trong trật tự.
Đon cử tại trường Mầm non Rạng Đông 4 (phường 4, quận 6, TP Hồ Chí Minh), ngay trước cổng trường, cha mẹ của các bé phải thực hiện khai báo y tế cho con mình, quét mã QR dán trên tường. Sau khi cô giáo đo thân nhiệt cho bé, thì tiếp nhận rồi đưa vào khu vực sân, nơi có vòi nước với xà bông để các bé rửa tay. Tiếp đó, các bé được cô giáo đưa vào khu vực ngồi chờ cô chủ nhiệm của từng lớp đón các vào lớp học.
Cô giáo Văn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng trường Mầm non Rạng Đông 4 cho biết, trước khi tổ chức cho trẻ mầm non từ 3 trở lên đến trường học trực tiếp, tất cả giáo viên và nhân viên của trường đều đã được tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch. Nhà trường cũng lên các phương án chi tiết trong việc đón, cho các bé quen lớp, trả bé cho phụ huynh.
“Từ ngoài cổng vào trong khuôn viên, nhà trường tổ chức lối vào một chiều theo mũi tên được dán trên sàn nhà (đi thẳng vào khu chờ cô chủ nhiệm đón rồi vào lớp, không rẽ ngang). Tuần đầu tiên, các bé chỉ đến trường buổi sáng để thích ứng, nhà trường chưa tổ chức bán trú. Đến giờ về, trường cũng chia giờ để tránh tập trung đông người. Cụ thể, lớp mầm ra về lúc 10 giờ sáng, lớp chồi 10 giờ 15 phút và lớp lá 10 giờ 30 phút cùng ngày”, cô Văn Thị Thu Trang chia sẻ.
Cũng theo cô Trang, sau 2 - 3 ngày đầu cho các bé đến trường, khi tình hình dịch Covid-19 không còn nguy cơ, nếu phụ huynh đồng ý cho các bé bán trú, nhà trường sẽ tổ chức họp lấy ý kiến thêm lần nữa.
“Về công tác phòng, chống dịch, nếu trường hợp bé nào có triệu chứng ho, sốt…, nhà trường sẽ cho bé đó xuống phòng y tế, đồng thời gọi điện báo cha mẹ của bé và Trạm Y tế phường đến phối hợp. Khi có sự giám sát, đồng ý của phụ huynh, lúc đó y tế mới test nhanh cho bé, nếu bé dương tính với Covid-19, trường giao bé cho gia đình chăm sóc, y tế hướng dẫn các bước tiếp theo. Còn đối với lớp có bé mắc Covid-19, tất cả học sinh được đưa sang phòng khác để khử khuẩn phòng vừa học. Sau đó trường gọi điện cho phụ huynh đến giám sát, nếu đồng ý test cho con mình thì y tế sẽ test”, cô Văn Thị Thu Trang cho biết.
Cũng trong sáng nay, học sinh trường Tiểu học Phạm Văn Chí (quận 6) đến trường trong niềm háo hức, vui mừng.
Được trở lại trường học, em Nguyễn Thiện An (học sinh lớp 2/1, sinh trường Tiểu học Phạm Văn Chí) có chút hồi hộp xen lẫn lo lắng bởi học trực tuyến ở nhà thời gian dài nên việc tiếp thu kiến thức cũng hạn chế. Thiện An cho hay sẽ cần dành nhiều thời gian để nhờ thầy cô giảng dạy thêm những phần chưa nắm chắc khi học online.
Giống như Thiện An, em Lê Hoàng Bảo Anh (lớp 5/1 cùng trường) chia sẻ: "Quá lâu mới được đến trường nên em cảm thấy rất vui nhưng em sẽ phải giữ khoảng cách, thực hiện đúng 5K để đảm bảo an toàn phòng dịch”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, cô Trần Thị Thu Lý (giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, trường Tiểu học Phạm Văn Chí) cho biết, từ ngày 12/2, nhà trường đã tổ chức họp để thông báo đến toàn thể phụ huynh về kế hoạch tổ chức học trực tiếp tại trường. Tại đây, phụ huynh được thông báo về việc thực hiện khai báo y tế tại nhà, trước khi đưa con đến trường. Điều này giúp hạn chế tập trung đông người ở khu vực cổng trường.
“Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng việc tăng cường giáo viên giám sát học sinh trong giờ vào lớp, ra chơi và tan học ở khuôn viên, cổng ra vào. Nhà vệ sinh cũng luôn có nhân viên văn phòng đứng để kiểm soát, ổn định, không cho học sinh vào quá đông, yêu cầu rửa tay sau khi đi vệ sinh...”– cô Lý nói.
Tương tự, tại trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (quận Tân Bình), cũng đông đảo phụ huynh tự nguyện cho con đến trường học trực tiếp: “Trong những ngày tới, nhà trường tin rằng, sẽ thêm nhiều phụ huynh an tâm với phương án chống dịch, cho con đi học trở lại” – đại diện nhà trường chia sẻ.
Cũng theo vị này, đối với quy trình xử lý F0, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư tưởng với phụ huynh trước khi đến trường. Do đó, nếu xảy ra các vấn đề về sức khỏe, phụ huynh phải báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để theo dõi. Ở lớp, học sinh được bố trí ngồi học theo sơ đồ, nên nếu xảy ra trường hợp nghi nhiễm thì rất dễ khoanh vùng, xử lý.
Cùng thời điểm, tại khu vực cổng trường Tiểu học Hàm Tử (quận 5) nhộn nhịp người và xe cộ. Các phụ huynh học sinh lớp 1 và 5 đều muốn tự mình đưa con đến trường trong ngày đầu đi học trực tiếp, sau nhiều tháng các em không được đến trường và học online để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo quan sát, từ sáng sớm, trường đã bố trí đầy đủ bình xịt khử khuẩn cùng các phương án phân luồng học sinh từng khối lớp. Đồng thời, trước đó, giáo viên chủ nhiệm cũng đã thông tin chi tiết đến từng phụ huynh về sơ đồ lớp học; các phương án xử lý khi phát hiện F0… để phụ huynh nắm và phối hợp cùng nhà trường tổ chức dạy, học an toàn cho các em học sinh.
Là phụ huynh học sinh lớp 1/1, chị Nguyễn Thị Trúc Mai chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên con tôi nhập học tại trường mới, cháu và gia đình rất hồi hộp. Tuy nhiên, được tận mắt chứng kiến cách nhân viên nhà trường nhắc nhở các con giãn cách, khử khuẩn, khai báo y tế… tôi yên tâm cho cháu đi học trực tiếp”.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Thành Luân là phụ huynh học sinh lớp 3/2 cũng bày tỏ yên tâm vì nhà trường đặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn của học sinh lên hàng đầu.
Trước đó, của UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản 268/UBND-VX về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP từ sau Tết Nguyên đán 2022, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.
Lộ trình cụ thể như sau: từ ngày 7/2, cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Từ ngày 10/2 đến 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường và tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học.
Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.
Trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh lứa tuổi nói trên đến trường học tập trực tiếp, trẻ tiếp tục học tập trên môi trường internet, trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Dự kiến, số lượng học sinh đến trường những ngày sắp tới sẽ tăng lên, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý, các trường nên có thời khóa biểu hợp lý cho từng khối. Đặc biệt phải có kịch bản phòng, chống dịch; kế hoạch dạy học tương ứng điều kiện thực tế của đơn vị. Trong đó, an toàn của học sinh được đặt lên hàng đầu.