Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Hơn 23.000 chỗ làm đang chờ người lao động dịp cuối năm

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TP Hồ Chí Minh.

Chiều 8/12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về một số mặt của đời sống trên địa bàn.

Tại buổi họp, rất nhiều vấn đề được báo chí và người dân quan tâm. Về tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, theo thống kê số lao động hiện đang làm việc tại 248.000 doanh nghiệp (DN) là trên 2,8 triệu người. Tính đến nay, các thành phần kinh tế đã thu hút giải quyết việc làm cho 315.000 lao động. Sở LĐTB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tổ chức 121 phiên, sàn giao dịch việc làm để kết nối cung - cầu lao động.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết có từ 23.000-25.000 việc làm chờ NLĐ từ đây đến cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết có từ 23.000-25.000 việc làm chờ NLĐ từ đây đến cuối năm.

Vào những tháng cuối năm 2022, một số DN thuộc lĩnh vực may, da giày, chế biến gỗ khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng bắt đầu giảm từ quý 4/2022 và dự kiến kéo dài đến quý 1/2023; trong đó lĩnh vực chế biến gỗ sụt giảm đơn hàng từ quý 3/2022.

Qua khảo sát tình hình, có 328 DN với 53.638 người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do việc sụt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều NLĐ thiếu việc làm, giảm giờ làm việc ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Các DN cố gắng duy trì lực lượng lao động để tránh việc phải cho nhiều lao động thôi việc bằng cách không bố trí làm thêm giờ, thực hiện giảm giờ làm, nghỉ 1 ngày hoặc một số ngày trong tuần, sắp xếp cho NLĐ nghỉ phép năm…

Trong tháng 11/2022 và tuần đầu tiên của tháng 12, Trung tâm DVVL đã chủ động phối với chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, hướng dẫn NLĐ tìm hiểu chính sách, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, như: Công ty TNHH Samho (Việt Nam), chuẩn bị nguồn tuyển dụng tại 9 công ty với 2.200 lao động, đã giới thiệu có việc làm cho 770/1.083 lao động thuộc diện sắp xếp cắt giảm lao động tại các công ty cùng ngành nghề. Số lao động còn lại không có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm việc làm. 

Tại Công ty Tỷ Hùng (có 1.178 người thuộc diện sắp xếp giảm), Trung tâm DVVL đã chuẩn bị nguồn tuyển lao động tại 6 công ty với nhu cầu tuyển dụng là 1.681 người. Trong 2 ngày 5 và 6/12, đã tư vấn cho 934 lao động bị cắt giảm chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trong đó có 167 lao động sẽ về quê), tư vấn giới thiệu việc làm cho 184 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới, 579 lao động không có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Công nhân lao động trong các DN ngành dệt may, gia công da giày gặp khó khăn vì không có đơn đặt hàng của đối tac. 
Công nhân lao động trong các DN ngành dệt may, gia công da giày gặp khó khăn vì không có đơn đặt hàng của đối tac. 

Bên cạnh các DN gặp khó khăn khi tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, vẫn có DN trong khu vực thương mại, dịch vụ, chế biến công nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh dịp cuối năm và đầu năm 2023. Trong tháng 12/2022, nhu cầu nhân lực cần khoảng 23.000-25.000 chỗ làm việc, tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chế biến công nghiệp.

Nhu cầu lao động tại các DN trong khu công nghệ cao vào tháng 12/2022 và quý 1/2023 trong khoảng 2.400 lao động. Tại các DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp 6 tháng đầu của năm 2023 là 12.661 lao động.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm, giải pháp trong thời gian tới là Sở LĐTB&XH phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP, Ban Quản lý các khu Chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu Công nghệ cao, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP để theo dõi tình hình các DN trên địa bàn và kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động; theo dõi, giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nhanh chóng tiếp cận DN cho nhiều lao động nghỉ việc để nắm nguyện vọng, nhu cầu tìm việc của NLĐ cũng như hướng dẫn NLĐ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện các hồ sơ. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Sở LĐTB&XH với LĐLĐ TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, BHXH TP để nắm bắt tình hình lao động. Huy động các nguồn lực chăm lo cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; hỗ trợ kịp thời cho NLĐ tại các DN gặp khó khăn, không có khả năng chỉ trả lương cho NLĐ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Hồ Quang (báo Một Thế Giới), ông Nguyễn Văn Lâm cho biết vào ngày 14/11, Sở đã có công văn 33700 về báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2022 và kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2023 gửi các DN hoạt động trên địa bàn. Sở đề nghị DN báo cáo đầy đủ các thông tin về tiền lương, thưởng và gửi trước ngày 25/12. Đến thời điểm này, Sở đã tiếp nhận báo cáo của 160 DN. Trên cơ sở báo cáo của DN, cuối tháng 12 Sở sẽ tổng hợp nhanh tình hình trả lương, thưởng vào dịp cuối năm và báo cáo Bộ LĐTB&XH và UBND TP.

Cũng theo ông Lâm, tính đến tháng 11/2022, có 28 DN thông báo cho NLĐ thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế với số NLĐ bị mất việc là 2.859 người trên tổng số 15.317 NLĐ làm việc tại các đơn vị. Số DN thông báo giảm lao động tăng 2 đơn vị so với năm 2021 (26 DN); thấp hơn so với giai đoạn năm 2019–2020 (năm 2019 có 74 DN, năm 2020 có 86 DN thông báo cho NLĐ thôi việc). 

Trong tháng 11/2022, có 2 DN có thông báo phương án lao động cho nhiều người thôi việc bao gồm: Công ty TNHH Việt Nam Samho (có 1.425 lao động mất việc/8.733 lao động), Công ty TNHH Tỷ Hùng (có 1.185 lao động mất việc/1.822 lao động). Tổng số lao động bị mất việc làm tại 2 DN này chiếm tỷ lệ 91,29% tổng số lao động bị mất việc làm (của 28 DN).

“Nguyên nhân cho nhiều người nghỉ việc ảnh hưởng từ biến động của thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở một số nước châu Âu, DN thuộc các lĩnh vực gia công da giày, may mặc, nội thất xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu buộc phải sắp xếp, tổ chức lại, giảm lao động” -  Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh nói.