TP Hồ Chí Minh: Hơn 300 công trình xây dựng trái phép

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản năm 2021 của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2021, toàn TP có 319 công trình vi phạm xây dựng.

Theo đó, trong 10 tháng năm 2021, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 49.482 công trình với 51.215 lượt. Từ đó, phát hiện tổng số công trình vi phạm là 319 công trình, bình quân 1,1 vụ/ngày, giảm 7,4 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 87,1%, so với bình quân số vụ vi phạm cùng kỳ. Cụ thể, xây dựng sai phép 141 công trình và xây dựng không phép 178 công trình.

Số lượng công trình vi phạm xây dựng ở TP Hồ Chí Minh trong năm 2021 giảm mạnh so với  năm 2020. (Ảnh: Tiểu Thúy)
Số lượng công trình vi phạm xây dựng ở TP Hồ Chí Minh trong năm 2021 giảm mạnh so với  năm 2020. (Ảnh: Tiểu Thúy)

Sở Xây dựng đánh giá, tình trạng xây dựng không phép chủ yếu xảy ra phổ biến tại TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, vốn là những điểm nóng về sai phạm xây dựng trong những năm gần đây.

Về nguyên nhân vi phạm trật tự xây dựng, theo Sở Xây dựng xuất phát từ tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người dân tăng mạnh. Trong khi đó, công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng không có khả năng mua nhà hợp pháp nên phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Thêm vào đó, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn TP là rất lớn. Đầu nậu, môi giới lợi dụng nhu cầu về nhà ở của người dân đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép và xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh, dẫn đến tình hình xây dựng trên địa bàn một số quận ven và huyện ngoại thành diễn biến phức tạp.

Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung các giải pháp khẩn cấp tạm thời, tạm ngừng cung cấp các dịch vụ liên quan (điện, nước, viễn thông,...) ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, ngăn chặn các trường hợp cố tình vi phạm, tiếp tục thi công xây dựng dẫn đến khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 năm 2017 về thẩm quyền ban hành và thực hiện Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, tránh chồng chéo về thẩm quyền gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, trong năm 2020, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh là 781 công trình, nhiều hơn 462 công trình so với năm 2021.