TP Hồ Chí Minh: HoREA chỉ cách thích ứng với siết tín dụng bất động sản

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đưa ra 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp địa ốc để thích ứng với lộ trình siết tín dụng bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Hiệp hội đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ, an toàn tín dụng, cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho đầu tư, tăng trưởng.
HoREA tư vấn 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp địa ốc để thích ứng với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản.
HoREA cũng tán thành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như chứng khoán, bất động sản, tín dụng tiêu dùng.
“Việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tuy trước mắt có gây áp lực đối với các doanh nghiệp, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường bất động sản bền vững”, ông Châu nhấn mạnh.
Ngoài ra, để thích ứng với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản, HoREA đưa ra 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Đó là tăng vốn chủ sở hữu; chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán; phát hành trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài thông qua việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...
Về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, HoREA đề xuất tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020 (thêm 6 tháng so với Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), xuất phát từ một số lý do.
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
HoREA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Hơn nữa các doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp; và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản mạnh. Đồng thời, xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện huy động vốn xã hội và trở thành công ty đại chúng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài.
Cuối cùng, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp nên lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần