TP Hồ Chí Minh: Hướng tới đô thị thông minh và bền vững

Trần Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh 
Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5), báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với ông Trần Vĩnh Tuyến - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về những thành tựu nổi bật của TP, đặc biệt là lĩnh vực quản lý, phát triển đô thị.
43 năm sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển vượt bậc. Để giữ đà phát triển, những chương trình nào được TP tập trung trong thời gian tới?

- Là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ lớn của cả nước và được đánh giá là TP phát triển năng động trong khu vực, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP luôn hành động với quyết tâm cao, đạt mục tiêu trở thành đô thị phát triển bền vững. Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 202, đã thông qua Nghị quyết về 7 Chương trình đột phá trong thời gian tới. Trong đó phải kể đến các chương trình lớn như: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh kinh tế; Chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách, năm 2018 TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực, giải pháp, tăng tốc triển khai thực hiện 7 chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Hồ Chí Minh có hiệu lực từ ngày 15/1/2018). Theo Nghị quyết này, TP sẽ tập trung về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách; Quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
Đặc biệt, chuẩn bị đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X, Đảng bộ TP nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho Nhân dân; Từ thực tiễn TP, góp phần để T.Ư nghiên cứu hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt trên 2 vấn đề lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong 7 Chương trình đột phá nói trên, phát triển đô thị theo hướng bền vững được TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, ông có thể cho biết cụ thể hơn?

- TP xác định mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến 4 tiêu chí quản lý tốt, cạnh tranh tốt, tài chính vững mạnh và mức sống tốt. Vì thế, Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được ưu tiên hàng đầu như: Lĩnh vực quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, cấp thoát nước, quản lý nhà, những vấn đề chung về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Nhưng quan trọng nhất vẫn là giải bài toán an cư. TP đang tích cực giải quyết vấn đề nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo, xây mới các chung cư cũ, chỉnh trang lại các khu phố, tuyến vỉa hè… Trong quá trình thực hiện, phân loại phải bảo đảm công khai, minh bạch thông qua đấu thầu chọn nhà đầu tư. 

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh thí điểm Đô thị thông minh. Vậy những tiêu chí về mô hình đô thị này và kế hoạch thực hiện trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

- Đô thị thông minh là tổ hợp gồm 6 lĩnh vực với nhiều tiêu chí. Thứ nhất là Quản lý đô thị thông minh như quản lý thuế, quản trị hành chính, tiếp nhận khiếu nại và chính sách. Thứ hai là Cuộc sống thông minh như thoát nước và vệ sinh, cấp nước, cấp điện, nhà ở và an toàn cho cư dân. Thứ ba là Cư dân thông minh như giáo dục, tham gia các hoạt động công đồng, cộng đồng y tế và phát triển toàn diện. Thứ tư là Đi lại thông minh như giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông. Thứ năm là Môi trường thông minh như vấn đề ô nhiễm môi trường và quản lý nguồn tài nguyên bền vững. Thứ sáu là Nền kinh tế thông minh như mức thu nhập, thị trường lao động và mức độ nghèo đô thị. 
Phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ là một hướng đột phá của TP Hồ Chí Minh.
Để thực hiện, TP dự kiến thành lập 4 trung tâm: Trung tâm kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm an toàn thông tin và trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Theo kế hoạch, quận 1, quận 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sẽ là 3 đơn vị thí điểm đề án. Khi thí điểm thành công, TP sẽ áp dụng vào thực tế ngay và triển khai rộng rãi đến các quận, huyện, sở, ngành khác.

Trong phát triển đô thị luôn gắn với thị trường bất động sản. Thời gian tới, TP quản lý điều hành thị trường này như thế nào, thưa ông?

- Chiến lược phát triển đô thị nhằm hướng đến 5 mục tiêu cơ bản: Vấn đề sinh kế của người dân, chất lượng môi trường, phát triển không gian và kết cấu hạ tầng, chính sách tài chính và quản lý Nhà nước. Hay nói cách khác, nội dung quản lý Nhà nước về đô thị có nhiều nhiệm vụ như: Xây dựng và quản lý chiến lược phát triển; Ban hành văn bản pháp luật; Quản lý đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản; Cung cấp hạ tầng kỹ thuật; Bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự xã hội; Phát triển văn hóa và bảo vệ di sản; Kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự đô thị; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện; Ngăn chặn tệ nạn xã hội, chống bóc lột và xóa đói giảm nghèo; Tổ chức bộ máy đô thị hành chính hiện hữu. Thị trường bất động sản cũng nằm trong các nội dung quản lý Nhà nước về đô thị. Vì vậy, để thị trường này phát triển cần thỏa mãn các điều kiện căn bản như quỹ đất, tài chính và các quy định.

Về quỹ đất, TP sẽ quản lý chặt tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị, bảo đảm các quyền sở hữu và phát triển hệ thống thông tin, lưu trữ. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị như: Đầu tư các dự án giao thông đường bộ, vận tải công cộng, cấp thoát nước, mở rộng hợp tác công - tư (PPP)… cũng thúc đẩy tăng trưởng thị trường địa ốc. Về tài chính, TP vừa kiến nghị tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 lên 0,1 lần so với hệ số điều chỉnh giá đất hiện nay. Khảo sát cho thấy, giá đất chuyển nhượng trên thị trường và đối chiếu với giá đất tại một số tuyến đường đã duyệt giá bồi thường cho thấy, giá đất tại các tuyến đường khảo sát đều có xu hướng tăng 10 - 20%. Vì vậy, việc tăng 0,1 lần hệ số điều chỉnh giá đất năm 2018 là phù hợp, vì chỉ tăng khoảng 10%, không gây xáo trộn, ảnh hưởng nhiều đến người sử dụng đất.

Quan trọng hơn cả vẫn là các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị. TP sẽ đẩy mạnh cải cách, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án và cấp các quyền sở hữu. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà khó khăn cho DN…

Xin cảm ơn ông!

TP sẽ xây dựng khu đô thị Sáng tạo, dự kiến trên địa bàn các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh sẽ kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất,

dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên thúc đẩy các chương trình kết nối sáng tạo với khởi nghiệp.