TP Hồ Chí Minh: Không để bệnh nhân F0 đang được điều trị tại nhà đơn độc

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Ngày 10/8, tại buổi họp báo định kỳ về phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, dự kiến đến ngày 12/8 số lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho TP sẽ hết.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam, tính đến 12 giờ ngày 9/8, TP tiếp nhận tổng cộng 17 đợt phân bổ vaccine ngừa Covid-19 từ Bộ Y tế trong kế hoạch tiêm chủng vaccine tại TP.
“TP đã tiêm tổng cộng 3.430.990 mũi/4.111.040 liều vaccine được phân bổ. Với 913.204 liều còn lại, dự kiến đến ngày 12/8 sẽ hết lượng vaccine này” - ông Nam thông tin.
 Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, dự kiến đến ngày 12/8, TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm hết vaccine Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ trước đó
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế để xin cấp thêm 5 triệu liều vaccine với mục tiêu trong tháng 8/2021 có thể tiêm phủ 70% dân số trên 18 tuổi tại địa bàn như kế hoạch đề ra.
Đồng thời, Sở Y tế TP cũng đã có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; bệnh viện công lập, ngoài công lập; phòng khám đa khoa, chuyên khoa; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện, yêu cầu các điểm tiêm chủng giải thích, lên lịch hẹn và chuyển tuyến cho những người buộc phải trì hoãn tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Đối với những lý do trì hoãn ngắn ngày như đang dùng thuốc, đang mắc bệnh cấp tính..., đội tiêm có trách nhiệm hướng dẫn người dân thời điểm có thể trở lại điểm tiêm để đánh giá, nếu tình trạng sức khỏe ổn định hoặc không còn lý do trì hoãn thì thực hiện tiêm vaccine.
Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm thì đã có quy định là họ có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại bệnh viện, cơ sở điều trị.
Riêng với những ý kiến về việc, bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà khi sức khỏe chuyển biến xấu đã liên hệ nhiều bệnh viện, đường dây nóng nhưng chưa được hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ rà soát và chấn chỉnh ngay.
"TP tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng hỗ trợ F0 tại nhà, Sở Y tế TP sẽ chấn chỉnh, rà soát lại, không để bệnh nhân F0 đang được chăm sóc điều trị tại nhà đơn độc" - ông Nam khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thừa nhận, trên thực tế đúng là có trường hợp các đường dây nóng quá tải nên chưa kịp thời tiếp nhận được thông tin. Hiện tại, ngành y tế đang nỗ lực hết mình để khắc phục như nâng số line Trung tâm cấp cứu 115 lên từ 40-50 line.
Đồng thời, các bệnh viện, đơn vị điều trị Covid-19 cũng đang cố gắng nâng số giường để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân F0 diễn tiến nặng. Cụ thể, các bệnh viện dã chiến trên địa bàn quận, huyện như Bình Thạnh, quận 8, Bình Chánh… tiếp tục được mở rộng, năng lực tiếp nhận ngày càng tăng để đáp ứng năng lực điều trị.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 cách ly tại nhà
Theo công văn số 5426/SYT-NVY, Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn TP Thủ Đức, quận, huyện, các tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện dự trù và cung ứng các thuốc thiết yếu như: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).
Ngoài ra, có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.
Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống: người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng:
- Dexamethasone: Người lớn: 6mg/lần/ngày. Trẻ em: 0,15mg/kg/ngày (tối đa 6mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:
- Prednisolone: Người lớn: 40mg/lần/ngày. Trẻ em: 1mg/kg/ngày (tối đa 40mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).
- Methylprednisolone: Người lớn: 16mg/lần, uống 2 lần/ngày cách 12 giờ. Trẻ em: 0,8mg/kg/lần, 2 lần/ngày cách 12 giờ (tối đa 32mg/ngày), uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).
Thuốc kháng đông dạng uống: Rivaroxaban. Liều lượng: 10mg/lần/ngày, uống sau khi ăn, thời gian sử dụng tối đa 7 ngày.
Trường hợp sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần theo dõi một số triệu chứng:
Theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...). Thận trọng ở người trên 80 tuổi.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu.
Liên hệ nhân viên y tế khi có dấu hiệu bất thường.
F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà như sau:
Mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Thay khẩu trang hai lần một ngày, khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.
Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo...
Đo thân nhiệt tối thiểu hai lần mỗi ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 1 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng "Khai báo y tế điện tử".
Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.