Kinh tế đã dần phục hồi và ổn định
Chiều 5/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quý I/2022, Thường trực UBND TP quan tâm, tổ chức làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, các doanh nghiệp thuộc TP, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Tình hình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng. Hầu hết các DN, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, số DN trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao. Khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài Khu công nghiệp đạt trên 90%, các DN lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc.
Các lĩnh vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá, nhất là từ tháng 3/2022. Theo tính toán của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn quý I/2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý I/2021 nhưng cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng của quý I/2020 (quý I/2020 tăng 1,09%).
Từ mức giảm sâu ở quý 3, 4/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% đến nay, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương.
Cụ thể, tổng tăng trưởng chung của nền kinh tế quý I/2022 tăng 1,84% so với cùng kỳ, đóng góp 97,8% vào tốc độ tăng GRDP của TP, trong đó: Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,09% so với cùng kỳ, đóng góp 1,0% vào tốc độ tăng GRDP. Đây là mức đóng góp rất thấp so với vị trí, vai trò quan trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng đối với kinh tế TP. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế khi tăng 3,08%, đóng góp 30,8%. Ngược lại, ngành xây dựng giảm 14,73%, không đóng góp vào mức tăng GRDP mà còn kéo giảm 29,8% vào tốc độ tăng GRDP.
Khu vực dịch vụ tăng 2,87% so với cùng kỳ, đóng góp 96,8% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 4,2%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm; 6 ngành dịch vụ còn lại giảm 10,60%, kéo giảm 0,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý I/2022 tăng 0,33% so với cùng kỳ, đóng góp 2,2% vào tốc độ tăng GRDP.
Những tín hiệu trên cho thấy TP Hồ Chí Minh đang phục hồi nhanh, sớm hơn kỳ vọng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 121.037 tỷ đồng, đạt 31,31% dự toán, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,9 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%); Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,7%). Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt 5,147 tỷ USD, tăng 2,26% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 5,39% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%). Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.182 tỷ đồng, tăng 1,24% so với cuối năm 2021.
Phải theo dõi chặt diễn biến giá cả thị trường
“Bên cạnh những mặt tích cực, một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%) cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 40,09% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chủ lực của TP còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%). Tổng doanh thu ngành du lịch ước giảm 11,8% so với cùng kỳ” - bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đánh giá rất cao những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và các DN của TP trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Nên nói: “Trong bối cảnh này, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP là 1,88% là bất ngờ. Số liệu này chứng minh cho nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng DN. Chúng ta đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy. Một khởi đầu thuận lợi rất phấn khởi, nhưng không nên quá lạc quan vì hiện chúng ta phải đối diện dịch bệnh tăng do chủng Omicron còn diễn biến phức tạp, yêu cầu cần có giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp. Cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng… đã tác động đến TP, chúng ta không thể chủ quan hay lạc quan. Do đó, tiếp tục linh hoạt thích ứng theo Nghị quyết 28 của Chính phủ. Triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 với đối tượng nguy cơ cao, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, yên tâm tham gia tiêm vaccine; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi”.
Đối với 396 nhân viên ngành y tế xin nghỉ việc vì môi trường và mức lương, ông Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế. Đây là tình hình khó tránh khỏi hiện nay, lúc đầu chúng ta kêu gọi lương tâm và trách nhiệm để họ ra tuyến đầu, nay chúng ta đã ổn định thì cần phải có chế độ đãi ngộ với họ.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị các sở, ngành của TP phải theo dõi chặt diễn biến giá cả, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, làm sao để bình ổn giá, cần nâng cao công tác dự báo (cập nhật thường xuyên, liên tục). Riêng mảng du lịch đến giờ này vẫn chưa có hiệu quả, do đó cần phải quảng bá để thu hút du lịch.
“Đối với việc 4 DN đấu giá đất ở Thủ Thiêm, có 2 DN bỏ cọc, hiện vẫn trong giai đoạn chưa ngã ngũ, ai đứng sau đó sẽ có cơ quan điều tra xử lý. Về nhà ở xã hội, nhà cho người nghèo, cho công nhân… chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ” - ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.