Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Lãnh đạo UBND TP cần đối thoại với tiểu thương TTTM An Đông

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là đề nghị của Ban tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ, về việc lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cần tổ chức tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (TTTM An Đông - PV).

Đối thoại phải có sự tham gia của lãnh đạo Ban TCDTW
Văn bản do ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (TCDTW) ký gửi UBND TP Hồ Chí Minh, có nội dung: Theo công dân trình bày năm 1989 xây dựng TTTM An Đông, các tiểu thương đã góp vốn vào để xây dựng và đến năm 2021 mới hết hạn hợp đồng. Nhưng tháng 6/2019, Ban quản lý TTTM An Đông có thông báo cho các hộ tiểu thương về việc thanh lý hợp đồng cũ, để ký kết hợp đồng mới.
 Công văn của Ban TCDTW đề nghị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương TTTM An Đông.
Công văn của Ban TCDTW cũng đề nghị: Cơ quan chức năng xem xét số tiền đóng góp của các tiểu thương trước đây để xác định quyền lợi của tiểu thương đối với các quầy, sạp kinh doanh tại TTTM An Đông; Cơ quan có thẩm quyền thanh tra việc quản lý, thu chi tài chính của Ban quản lý TTTM An Đông từ khi hoạt động liên quan đến số tiền 237 tỷ đồng tiểu thương đóng góp và số tiền thu phí chợ; Đề nghị xem xét tính pháp lý của các hợp đồng đã ký kết với các hộ tiểu thương từ năm 1991 đến nay; Đề nghị thành lập lại Ban Quản lý TTTM An Đông có sự tham gia của đại diện các tiểu thương.
“Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tiểu thương đang kinh doanh tại TTTM An Đông để giải quyết dứt điểm những nội dung khiếu nại, kiến nghị của công dân và có sự tham gia của lãnh đạo Ban TCDTW”, công văn của Ban TCDTW đề nghị.
Chưa hết hạn hợp đồng cũ đã đòi ký cái mới
Trước đó, vào tháng 6/2019 Ban Quản lý TTTM An Đông bất ngờ gửi thông báo đến tiểu thương đang kinh doanh tại đây với yêu cầu thanh lý hợp đồng cũ để ký lại hợp đồng mới. Vì vậy hàng ngàn tiểu thương khiếu nại.
 Các đại diện tiểu thương TTTM An Đông (quận 5, TP Hồ Chí Minh) tại buổi làm việc với Ban TCDTW ở TP Hà Nội vào tháng 10/2019.
Theo trình bày của tiểu thương: Tháng 8/1991, tiểu thương ký “Hợp đồng cho sang nhượng quầy sạp” với Công ty tư doanh Việt Hoa xây dựng chợ An Đông thành TTTM An Đông, thời hạn hợp đồng kéo dài 20 năm (1991 – 2011). Tại khoản 3 điều II của hợp đồng quy định: Người sang sạp được miễn đóng tiền hoa chi trong thời gian sang nhượng sạp.
Trong thời gian còn hợp đồng, Ngân hàng Việt Hoa phá sản. Thời điểm này UBND quận 5 giao cho Công ty thương mại quận 5 quản lý toàn bộ TTTM An Đông. Đến năm 2009, giao cho Ban Quản lý TTTM An Đông quản lý. Năm 2011 hợp đồng giữa tiểu thương với Công ty tư doanh Việt Hoa hết hạn. Lúc này Ban Quản lý TTTM An Đông ký hợp đồng mới với tiểu thương, thời hạn 5 năm nên bị phản đối. Do đó, UBND TP đưa ra hướng ký hợp đồng 10 năm.
Do có khiếu nại liên tục nên đến tháng 3/2013, Ban Quản lý TTTM An Đông mới ký “Hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn” nhưng lại thu tiền thuê của 2.305 quầy sạp (đợt 1 từ năm 2013 đến 2016) với số tiển 237 tỷ đồng (quầy sạp nộp thấp nhất 200.000 đồng/tháng).
Các tiểu thương cho rằng số tiền 237 tỷ đồng mà Ban Quản lý TTTM An Đông đã thu là sai. Vì khi ký hợp đồng với Công ty tư doanh Việt Hoa, họ chỉ đóng tiền nước, điện. Đặc biệt 237 tỷ đồng nêu trên hiện ai quản lý, nằm ở đâu, dùng làm gì? Từ đó các tiểu thương đề nghị thanh tra toàn diện việc thu chi tài chính tại Ban Quản lý TTTM An Đông từ năm 2011 đến nay.
Về phía UBND quận 5, khi có khiếu nại đã cho rằng chỉ thu 217 tỷ đồng, số tiền này dùng để sửa chữa, cải tạo, mua sắm TTTM An Đông, và tiền này là ngân sách nên đã nộp vào Kho bạc Nhà nước. Chính vì những lùm xùm xung quanh số tiền 237 tỷ đồng (theo tiểu thương) và 217 tỷ đồng (theo UBND quận 5) nên vào năm 2017 UBND TP chỉ đạo dừng thu.
Không giải quyết tốt, sẽ chuyển lên Tổng Thanh tra Chính phủ
Tháng 6/2019, Ban Quản lý TTTM An Đông lại đưa ra “Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh” để ký với tiểu thương nên tiếp tục bị phản ứng và khiếu nại. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban TCDTW khi tiếp các tiểu thương vào đầu tháng 10/2019, đã nhận định: “Nếu những việc như thế này mà các địa phương không giải quyết tốt, thì với chức năng của Ban TCDTW, chúng tôi sẽ đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, có thể tiến hành thanh tra trách nhiệm gắn với giải quyết các vụ việc trên, góp phần chấm dứt khiếu nại, tố cáo, ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế địa phương”.