TP Hồ Chí Minh: Lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước bối cảnh lượng F0 liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao, TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập 312 tổ phản ứng nhanh tại 22 quận huyện, TP Thủ Đức nhằm kịp thời cấp cứu bệnh nhân Covid-19 (F0) cách ly tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, đến ngày 14/8, có 143.014 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 142.618 trường hợp mắc trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 32.608 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.029 người; trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.432 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.456 người và tại nhà là 12.516 người.
 Với 312 tổ phản ứng nhanh được thành lập, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực giảm tỷ lệ F0 tử vong tại nhà vì Covid-19. Ảnh HCDC
“TP tổ chức giám sát, chăm sóc sức khoẻ các trường hợp F0, F1 được cách ly tại nhà với sự hỗ trợ của các tổ phản ứng nhanh tại địa phương. Vì vậy, F0 khi có dấu hiệu chuyển nặng, hãy gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương” - đại diện HCDC thông tin.
Cụ thể, thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng thuộc trạm y tế phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, công an, đoàn thanh niên, tài xế...
Trước đó, ngày 3/8, Sở Y tế TP đã có văn bản hướng dẫn triển khai quản lý sức khỏe người mắc Covid-19 tại nhà. Khi nhận cuộc gọi báo tình trạng F0, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi như khó thở, tím tái, lơ mơ... để quyết định đưa xe vận chuyển tới nhà người dân. Trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy như mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Trường hợp xe đã được huy động cho ca cấp cứu khác, tổ gọi 115 để được hỗ trợ.
Qua thăm khám, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nhanh tình trạng người bệnh. Nếu người bệnh chỉ số SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường thì theo dõi sức khỏe tại nhà; SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họp, đau ngực... phải thở oxy qua mũi, đưa vào các cơ sở cách ly tập trung F0. Người bệnh SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức thì phải thở qua mặt nạ và đưa vào khu vực cấp cứu của khu cách ly tập trung F0 hoặc các bệnh viện dã chiến.
Người bệnh nguy kịch như tím tái, hôn mê, ngưng thở, tổ phản ứng nhanh sẽ cho thở oxy qua mặt nạ hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản và vận chuyển đến bệnh viện gần nhất. Khi ấy tổ phản ứng nhanh cũng đồng thời gọi Tổ Điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng thuộc Sở Y tế để hỗ trợ khẩn cấp chuyển người bệnh để tầng điều trị phù hợp.
Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, Trạm Y tế địa phương phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 để báo cáo thông tin sức khỏe người bệnh.
Liên quan đến công tác điều trị F0 tại nhà và cộng đồng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, ngành y tế phải nắm được danh sách, đảm bảo mỗi F0 được kết nối với tư vấn viên để được thăm hỏi, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Sau khi xác định F0, bệnh nhân sẽ có túi thuốc điều trị theo chỉ định của Bộ Y tế, tiếp cận với thuốc từ giai đoạn đầu. Như vậy, người bệnh sẽ có tinh thần tốt, chủ động cải thiện sức khỏe, hạn chế việc trở nặng và giảm áp lực lên tầng trên.
Hai nội dung quan trọng trong chiến lược này là phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng, hệ thống hóa ứng dụng công nghệ kết nối F0 tại nhà với các tầng điều trị. "Nếu thực hiện đồng bộ hiệu quả các nội dung trên sẽ quản lý được 80-90% F0, chỉ còn 10% có nhu cầu điều trị, chỉ 5-7% chuyển nặng" - ông Mãi nhận định.
Phát hiện thêm 2 ổ dịch Covid-19 mới tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 14/7, thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, TP có thêm 2 ổ dịch mới được ghi nhận tại quận 1 và quận 5.
Ổ dịch tại đường Yersin, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 (còn gọi là khu Chợ Gà, Chợ Gạo). Ca bệnh đầu tiên phát hiện vào ngày 8/7 qua khám sàng lọc tại bệnh viện, đến nay đã phát hiện thêm 101 ca mắc Covid-19.
Ổ dịch tại 48 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5: Các ca bệnh đầu tiên được phát hiện ngày 24/7 (gồm 4 ca) qua diện tầm soát cộng đồng. Sau khi phong tỏa hẻm và lấy mẫu tầm soát vào ngày 1/8 (46 mẫu), cơ quan chức năng ghi nhận thêm 28 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ngày gần nhất ghi nhận ca dương là 10/8 qua tầm soát tại bệnh viện. Tổng cộng, cụm lây nhiễm này ghi nhận 62 ca dương tính.
Theo HCDC, đến nay, TP ghi nhận 20 ổ dịch Covid-19 đang hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần