TP Hồ Chí Minh: Lượng phương tiện giao thông trên đường giảm 85% trong ngày đầu "siết chặt"

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, trong buổi sáng ngày 23/8, ngày đầu tiên áp dụng tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn TP, lượng phương tiện giao thông trên đường đã giảm 85% so với ngày 22/8.

Theo ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, dựa trên các câu hỏi báo chí gửi về cho Ban chỉ đạo phòng dịch Covid-19, có 4 nhóm vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn. Đó là công tác đảm bảo an sinh cho người dân; Tình hình tại các trạm kiểm soát liên quận liên tỉnh; Hỗ trợ người dân xuất cảnh; Công tác xét nghiệm và tiêm chủng vaccine.
 Buổi họp báo tại TTBC TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Đức Hải - Phó ban, kiêm người phát ngôn Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, khi thực hiện đợt tăng cường giãn cách xã hội trên địa bàn, TP có nhiều thuận lợi: Lực lượng chống dịch được tăng cường; Phương tiện phục vụ chống dịch được tăng cường nhiều hơn, xe chuyên chở hàng hóa, xe chuyển bệnh; Nguồn thuốc nhiều hơn; Hệ thống chống dịch có kinh nghiệm hơn và  tỷ lệ người tiêm vaccine đã nhiều hơn.
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, không phân biệt vùng xanh, đỏ, cam.
“Xét nghiệm nhiều như thế, dự báo khả năng số F0 sẽ tăng, TP ứng phó thế nào? Đầu tiên, người bị nhiễm Covid-19 (F0) thì bản thân người bệnh bình tĩnh và hãy liên hệ với trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh tại các phường xã. Ai có điều kiện điều trị tại nhà thì sẽ điều trị tại nhà. Trường Đại học Y dược phối hợp với UBND Quận 10, tư vấn hỗ trợ điều trị tại nhà cho 2.200 trường hợp F0, 80% đã khỏi bệnh, nói như vậy để người bệnh cần tự tin, bình tĩnh xử lý, không có gì lo lắng. Người có bệnh nền bị nhiễm bệnh Covid-19 sẽ được đưa vào cơ sở cách ly tập trung” - ông Phạm Đức Hải đặt vấn đề và giải thích.
Về công tác tiêm vaccine, tính đến ngày 22/8, toàn TP đã có 5.447.056 người được tiêm; trong 24 giờ qua, TP đã lấy 115.360 mẫu xét nghiệm.
Thông tin về tình hình tại các chốt kiểm tra liên quận, liên tỉnh thành,  ông Phạm Đức Hải cho biết tính đến trưa 23/8, lượng phương tiện tham gia giao thông giảm khoảng 85% so với ngày 22/8, đây một con số rất vui, người dân thực hiện tốt tăng cường giãn cách xã hội.
Ông Phạm Đức Hải cũng giải đáp một số vấn đề được người dân quan tâm như: Người dân muốn mua thuốc tây trong khi đó người dân không được đi mua, tổ công tác đặc biệt tại mỗi phường xã thị trấn sẽ giúp người dân; Khi người dân có bệnh thông thường cứ đến bệnh viện, hiện tại các bệnh viện đã tách ra phần nào chữa Covid-19 thì chữa, phần nào chữa bệnh thông thường hoặc liên hệ với trạm y tế lưu động và trung tâm 115. Đối với người có bệnh thông thường khi cần đi bệnh viện thì gọi cho 2 hãng taxi Vinasun và Mai Linh, hiện đang có 500 xe hoạt động. Đối với các ca F0 chuyển nặng, sẽ có 260 xe Phương Trang đảm trách việc vận chuyển, người dân gọi xe sẽ được chở đến bệnh viện...
Trả lời vấn đề báo chí đặt ra là tại sao hôm nay 23/8 một số người có phiếu hẹn tiêm vaccine nhưng bị lực lượng chốt chặn không cho qua?
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, TP có quy định người dân đi tiêm vaccine cần xuất trình phiếu hẹn, tin nhắn mời đi tiêm. Tuy nhiên, hôm nay có công dân đi tiêm vaccine di chuyển bằng xe cá nhân từ ngoài tỉnh đi vào TP, lực lượng chốt chặn đã không chấp nhận. Lực lượng chốt chặn chấp nhập doanh nghiệp tổ chức đi tiêm vaccine bằng xe chung.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mục tiêu của TP Hồ Chí Minh đến 15/9, ông Phạm Đức Hải mục cho biết, TP tập trung kéo giảm bệnh nhân Covid-19 tử vong, 2 không để xảy ra trường hợp các ca F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận điều trị. Khi người dân có nhu cầu chăm sóc y tế cần gọi điện cho tổ công tác đặc biệt tại phường, xã.