TP Hồ Chí Minh: Ngành y tế đảm đương được công tác chống dịch

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, ngành y tế vẫn có thể đảm đương được công tác chống dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sau khi hơn 6.000 y, bác sĩ chi viện rút đi.

Ngành y tế đảm đương được công tác chống dịch
Chiều 7/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác chống dịch và các vấn đề được dư luận quan tâm.
Một vấn đề được dư luận quan tâm đó là sau ngày 15/10, khi lực lượng y tế được Bộ Y tế cử vào chi viện cho TP sẽ rút đi, có ảnh hưởng gì đến công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP?
 Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đủ sức đảm đương công tác chống dịch sau khi lực lượng chi viện rút đi. Nguồn: HCDC
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, có thời điểm, trên địa bàn TP, số bệnh nhân Covid-19 nằm viện lên đến 36.000 ca. Chính vì nhu cầu này, TP đã mở ra nhiều bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị... và Bộ Y tế đã huy động hơn 6.000 y, bác sĩ để chi viện cho TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đến giai đoạn này, số ca bệnh đã giảm đi, số lượng bệnh nhân xuất viện nhiều hơn nhập viện, số ca tử vong xuống thấp... lực lượng chi viện của Bộ Y tế rút đi, công tác thu dung điều trị, phòng chống dịch vẫn đảm bảo. Hiện tại, TP vẫn duy trì các bệnh viện thu dung điều trị, lực lượng y bác sĩ đầy đủ, có thể đảm đương được mọi công việc.
"Sở Y tế đang tham mưu TP thu gọn các bệnh viện dã chiến, khu cách ly... Các bệnh viện dã chiến chuyển đổi thành bệnh viện điều trị 3 tầng; Giữ lại các bệnh viện, trung tâm hồi sức có thể đáp ứng kịp thời số lượng 900 giường hồi sức tích cực với đầy đủ chức năng và 3.000 giường có oxy" - bà Huỳnh Mai cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã có giải đáp xung quanh vấn đề TP ngưng lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện F0, lấy gì làm thước đo để đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.
"Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP được đánh giá không chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm diện rộng mà còn có nhiều chỉ số khác như số số F0 do Bộ Y tế công bố sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính; Số bệnh nhân nhập viện; Số ca bệnh nặng nhập viện, tỷ lệ tiêm vaccine..." - ông Hồng Tâm giải thích.
Chưa thống nhất được phương án đi lại giữa các tỉnh, thành
Tại buổi họp báo, đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, đã nhận được 9.000 hồ sơ của người dân, đề nghị được đi về các tỉnh, thành để đón người thân. Hồ sơ được gửi đến Sở GTVT qua email, sau khi tiếp nhận, hồ sơ sẽ được đọc và xử lý thủ công và mới chỉ giải quyết được 30% số hồ sơ đề nghị. Sở GTVT đang cho chạy thử nghiệm app để người dân có thể đăng ký về quê đón người thân. App sẽ xử lý, cấp mã QR để người dân có thể qua các chốt kiểm soát.
Đại diện Sở GTVT cũng cho biết, đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án đi lại với 4 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Sở GTVT đã gửi văn bản cho các địa phương này đề nghị thống nhất phương án đi lại cho người lao động, đã nhận được được góp ý của các tỉnh. Tuy nhiên, không thể thống nhất được phương án với 4 tỉnh, vì vậy Sở GTVT đang xây dựng phương án đi lại cho người lao động đối với từng tỉnh. Dự kiến, phương án đi lại giữa TP với 4 tỉnh lân cận sẽ được ban hành trong ngày 8/10.
Liên quan đến trách nhiệm của Sở GTVT, vấn đề được báo chí quan tâm hàng đầu đó là bao giờ người lao động từ các tỉnh chưa được tiêm vaccine có thể quay trở lại TP làm việc?
"Theo quy định, muốn quay lại TP người lao động phải thuộc diện F0 khỏi bệnh còn trong 180 ngày hoặc được tiêm ít nhất một liều vaccine... Đối với các doanh nghiệp, muốn vận chuyển người lao động phải có văn bản gửi cho UBND quận huyện, TP Thủ Đức, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp... Các địa phương sẽ tập hợp danh sách gửi cho Sở GTVT để cấp giấy nhận diện có mã QR" - đại diện Sở GTVT cho biết.
Chỉ còn 2 quận chưa được đề nghị công nhận kiểm soát dịch Covid-19
Theo ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 4/10, đã có 16 quận huyện và TP Thủ Đức, được các đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo công nhận đã kiểm soát được dịch Covid-19. Tính đến ngày 7/10, có thêm Quận 4, quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn được các đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo công nhận là đã kiểm soát được dịch Covid-19. Như vậy, tính đến ngày 7/10, đã có 19 quận huyện và TP Thủ Đức đã được đề nghị công nhận kiểm soát được dịch Covid-19.
 Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 7/10.
Đến nay, chỉ còn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa được đề nghị công nhận kiểm soát được dịch.
Liên quan đến tình hình thực hiện chỉ thị 18 về “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP”, ông Phạm Đức Hải cho biết, Ban chỉ đạo đánh giá, người dân thích ứng nhanh, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều...
Cũng theo ông Phạm Đức Hải, đến ngày 7/10, đã có hơn 9.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, trong khi đó, số liệu ngày 3/10 chỉ có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tại các khu công nghiệp, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại đã đạt 844/1.412 doanh nghiệp; Tại khu công nghệ cao, đã có 88/118 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần