Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Nghiên cứu phương án cho chợ truyền thống tiếp tục hoạt động trở lại

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh đối với ngành Công Thương tại văn bản khẩn về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP vừa mới được Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng ký ban hành ngày 9/8.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho TP.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong những ngày giãn cách xã hội.

“Các địa phương cần tăng cường bán hàng lưu động, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến để gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân” -  bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Theo bà Thắng, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối.

"Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm, đồng thời đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết" - bà Thắng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các địa phương cần phối hợp với các sở, ngành liên quan, theo dõi nắm chắc diễn biến thị trường, thông tin và phối hợp xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến trên địa bàn...

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu các hệ thống phân phối như siêu thị Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart... nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày 19/7 đến ngày 4/8, trên địa bàn TP có thêm 14 chợ truyền thống được khôi phục hoạt động.

Các chợ đủ điều kiện mở lại gồm Kiến Thành (quận Bình Tân); Tân Đoàn Việt, Tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, Hưng Long (huyện Bình Chánh); Thạnh Xuân, Thới An, Hiệp Thành (quận 12); Thái Bình, Đa Kao (quận 1); Tân Thông Hội, Phước Thạnh (huyện Củ Chi); Bình Thới (quận 11).

Các chợ tái mở cửa sau khi đáp ứng các điều kiện đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo tổ chức giãn cách giữa các sạp xếp hàng theo đúng quy định.

“Ngoài chợ, mới đây, Sở Công Thương TP đã kết hợp với cửa hàng thực phẩm mở siêu thị lưu động trên xe bus, cung cấp thêm kênh mua sắm cho người dân. Rau củ, thịt, đồ gia dụng được bán với giá bình ổn. Mỗi ngày xe bus sẽ di chuyển đến một điểm bán tại các khu dân cư ngoại thành TP, đặc biệt là các phường đang gặp khó khăn trong việc tìm mua nhu yếu phẩm. Mỗi người dân chỉ được vào mua trong 5 phút. Nhiều người cho biết có thể dễ dàng mua được nhiều đồ dùng, gia vị và thực phẩm mà không cần phải chờ quá lâu” - đại diện Sở Công Thương TP cho biết.