Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Người dân có thể dùng nước sinh hoạt làm từ nước thải

Thiện An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến tới năm 2030 TP sẽ tiến hành tận dụng nguồn nước thải sau xử lý làm nước sinh hoạt cho người dân.

Ngày 16/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng và các bên liên quan nghiên cứu để tới năm 2030 có thể xây dựng các nhà máy cấp nước nằm cạnh nhà máy nước thải.
Dự kiến tới năm 2030, người dân TP có thể dùng nước sinh hoạt làm từ nước thải.
Theo đó, việc bố trí 2 nhà máy nước cạnh nhau nhằm tận dụng toàn bộ nước thải sau xử lý (650.000 m3/ngày) làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy nước sinh hoạt. Diện tích còn lại sau khi xây các nhà máy nước cần được tận dụng để tạo các mảng xanh, công viên, tạo cảnh quan môi trường cho dự án.
Trước đó, ngày 25/9, Sở Xây dựng cho biết nguồn nước của TP đang đứng trước nhiều nguy cơ. Ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước có nguy cơ đối mặt với việc ô nhiễm nguồn nước thô trong tương lai do tác động của sự phát triển đô thị. Trong khi đó, TP còn thiếu kế hoạch dự phòng để ứng phó với những diễn biến bất thường của nguồn nước.
Sở Xây dựng thống kê cho thấy, tổng công suất nước sạch của TP là 2,4 triệu m3/ngày, công suất vận hành phát nước là hơn 1,8 triệu m3/ngày. Như vậy, các nhà máy nước còn lượng công suất dự phòng là khoảng 500.000 m3/ngày.
Liên quan đến vấn đề nước sạch của TP, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, hiện nay TP có tốc độ đô thị hóa cao, trung bình 5 năm TP tăng 1 triệu dân. Do đó, việc có đủ nước sạch để người dân sử dụng trong tương lai là một thách thức lớn.
Theo ông Hoan, những năm qua TP có nhiều nỗ lực, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 100% người dân tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển. Nguồn nước thô đầu vào từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Do nằm ở hạ lưu nên TP không thể kiểm soát ô nhiễm nguồn nước thô đầu nguồn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm nguồn nước sông bị xâm nhập mặn, dẫn đến nguy cơ mất an toàn nguồn nước là rất cao.
Chia sẻ thêm về những bất cập, tồn tại trong công tác cung cấp nước sạch ở TP, ông Hoan cho biết hiện hệ thống hạ tầng chuyển nước được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều đường ống xây dựng đã lâu chưa được cải tạo.
Cũng theo ông Hoan, chính hệ thống đường ống quá cũ, có ống hơn 50 năm dẫn đến tỉ lệ thất thoát nước cao, chất lượng nước sạch giảm.
"TP vẫn không có bể trữ nước để phân phối, chủ yếu dẫn nước trực tiếp từ nhà máy đến các hộ dân. Vì vậy, có thực trạng chất lượng nước ở nhà máy có thể dùng ăn uống trực tiếp, nhưng khi qua ống dẫn đến với các hộ dân thì không đạt chỉ tiêu, chất lượng. Thời gian lưu nước trên hệ thống dài gây lắng cặn trong ống dẫn", ông Hoan dẫn chứng thêm.
Nhằm giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cho biết TP đang quyết tâm kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống thấp hơn nữa (hiện tỉ lệ thất thoát là 23,31%).