TP Hồ Chí Minh: Nhiều bất cập trong thực hiện đề án “Y tế thông minh”

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng tôi luôn đau đáu làm sao phát triển mạnh công nghệ thông tin (CNTT) để thực hiện đề án “Y tế thông minh”, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng" - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết trần tình với Đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh.

Ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh

Ngày 19/10, HĐND TP Hồ Chí Minh có buổi giám sát kết quả triển khai đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” tại Bệnh viện Hùng Vương.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ (PGS-TS-BS) Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, là một trong những bệnh viện đầu tiên tại TP triển khai hệ thống quản lý bệnh viện bằng CNTT. Từ năm 2019, bệnh viện đã vận hành hệ thống RIS/PACS, tự đánh giá đạt mức 6 theo Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết báo cáo việc thực hiện đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” của Bệnh viện Hùng Vương.
PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết báo cáo việc thực hiện đề án “Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” của Bệnh viện Hùng Vương.

Khi đề án “Y tế thông minh” ra đời từ tháng 7/2021, bệnh viện triển khai thực hiện, nhưng đến nay chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. Về hạ tầng mạng đã đạt 95%, nhưng dự án wifi dùng trong bệnh viện chưa hoàn thành. Khi lập dự án gửi Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến khi được duyệt thì máy móc đăng ký trong hồ sơ đã lỗi thời, nếu mua thì quá lãng phí.

Bệnh viện đã kiện toàn hạ tầng thông tin, có phòng CNTT để vận hành. Tuy nhiên, khó tìm được nhân viên CNTT có năng lực cao, vì lương tại bệnh viện quá thấp so với công ty bên ngoài. Người nộp đơn xin làm việc tại vị trí CNTT thì năng lực chưa phù hợp yêu cầu.

Cũng theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, hiện nay bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực, như: Quản lý nhân viên y tế; đăng ký khám trực tuyến và sổ khám bệnh điện tử trên thiết bị Android (năm 2022 có khoảng 6.000 lượt đăng ký khám tại nhà trên tổng số 186.000 lượt khám); thanh toán không tiền mặt (năm 2020 có 7.921 người, năm 2021  khi dịch Covid-19 bùng phát có 40.238 người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 76.940 người thanh toán qua điện tử); khám chữa bệnh từ xa bằng phần mềm IOH (là bệnh viện đầu tiên trong TP ứng dụng SMS để quản lý từ xa bệnh đái tháo đường ở người đang mang thai. Mục đích không để bệnh nhân phải di chuyển đến bệnh viện khác); bệnh án điện tử (hoàn thành 99%, còn bệnh án phụ khoa và bệnh án sơ sinh đang hoàn thành).

"Từ năm 2016 - 2022 bệnh viện chỉ có 2 lập trình viên, nhưng đã cố gắng xây dựng và ứng dụng được 27 phần mềm phục vụ rất hiệu quả trong quản trị bệnh viện. Bên cạnh những thành quả đạt được, Bệnh viện Hùng Vương cũng gặp khó khăn về tài chính, đây là thách thức mà các bệnh viện phải đối diện khi thực hiện chuyển đổi số. Phần lớn các trang thiết bị, phần mềm được sử dụng đều có giá cao, trong khi ngân sách còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến các đơn vị buộc phải đầu tư dàn trải, kéo dài và thiếu đồng bộ", Giám đốc Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.

Vẫn loay hoay đào tạo CNTT cho ngành y  

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, đối với việc bảo mật thông tin bệnh nhân, an toàn dữ liệu trong hồ sơ bệnh án điện tử là vấn đề quan trọng. Khi triển khai đưa toàn bộ dữ liệu của bệnh viện và bệnh nhân vào hệ thống, nhưng không bảo mật rất dễ vi phạm pháp luật. Trong khi hiện nay nhân sự chuyên trách về hạ tầng, thiết bị bảo mật an toàn thông tin tại các bệnh viện còn thiếu. Ngoài ra, việc đầu tư hệ thống bảo mật thông tin rất đắt, hơn chục tỷ đồng. Dù đã xin phép lập dự án, nhưng hiện tại bệnh viện chưa đầu tư được.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng cho biết vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn các bệnh viện thực hiện đề án.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Anh Dũng cho biết vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn các bệnh viện thực hiện đề án.

“Chúng tôi kiến nghị cần có cơ chế thu nhập đặc thù cho nhân sự CNTT nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho bệnh viện. Do là đơn vị tự chủ tài chính nên xin được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp CNTT trong cơ cấu giá. Cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với CNTT cần rõ và chi tiết, giúp các bệnh viện dễ thực hiện mà không vi phạm pháp luật. Cần có định hướng chung hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) của các bệnh viện để sau này có sự thống nhất, thuận lợi khi kết nối hoặc trao đổi thông tin” - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kiến nghị.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, theo đề án Sở Y tế có nhiệm vụ xây dựng và ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn các bệnh viện. Tuy nhiên câu trả lời của ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế là… chưa ban hành bộ tiêu chí.

Còn đại diện Sở Nội vụ cho rằng theo nội dung đề án, Sở Nội vụ và Sở Y tế có nhiệm vụ đào tạo nhân lực. Từ khi đề án ban hành, hai Sở đã rà soát xây dựng kế hoạch cũng như nghiên cứu đào tạo CNTT riêng cho ngành y tế và đã có công văn ngày 6/5/2022 để cùng Sở Y tế phối hợp thực hiện. Về đãi ngộ nhân viên CNTT ngành y, Sở Nội vụ đang tham mưu xây dựng đề án giữ chân cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Dự kiến CBCCVC sẽ có mức tăng 2 lần thu nhập so với lương; sẽ được ưu tiên em xét bố trí nhà ở xã hội; được xem xét ưu tiên thi tuyển chức danh lãnh đạo. Hiện đề án vẫn chưa chính thức trình UBND TP.

Ông Cao Thanh Bình cho rằng đề án “Y tế thông minh” nêu rõ giai doạn 2021 - 2025. Hiện nay là năm 2022 nhưng còn loay hoay, không có con số cụ thể nhân sự ngành y tế đưa đi đào tạo CNTT, đến năm 2025 mới đào tạo làm sao hoàn thành đề án.

Bệnh viện Hùng Vương thực hiện đề án rất tốt

Tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban VH-XH HĐND TP đề nghị, TP đã có đề án xây dựng “Đô thị thông minh”, do đó ngành y tế cũng cần có đề án của mình để hòa vào đề án “Đô thị thông minh”. Đối với Sở Nội vụ cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho ngành y tế. Đến nay chưa đào tạo được người nào rất đáng lo ngại. Đối với lương trả cho nhân viên CNTT ngành y, cần trả cao hơn mới mong giữ họ được.

Trưởng Ban VH-XH HĐND TP Cao Thanh Bình phát biểu kết luận buổi giám sát Bệnh viện Hùng Vương.
Trưởng Ban VH-XH HĐND TP Cao Thanh Bình phát biểu kết luận buổi giám sát Bệnh viện Hùng Vương.

Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban VH-XH HĐND TP Cao Thanh Bình, nhận định Bệnh viện Hùng Vương thực hiện rất tốt đề án “Y tế thông minh” từ chi tiết nhỏ nhất. Bệnh viện đạt nhiều giải thưởng danh giá, đặc biệt trong đợt phòng chống dịch Covid-19 có nhiều cá nhân được khen thưởng. Bệnh viện Hùng Vương ngoài chức năng khám chữa bệnh còn là Viện - Trường đào tạo sinh viên đại học, sau đại học, nghiên cứu nhiều đề tài trong nước và quốc tế, được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến gồm 8 tỉnh, thành và 14 quận, huyện ở TP.

“Tôi đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ bác sĩ, nhân viên bệnh viện trong thời gian qua. Bệnh viện đã có 27 phần mềm phát huy hiệu quả, nhưng làm sao phát huy tối đa công năng các phần mềm. Cần xây dựng thêm thẻ khám bệnh thông minh, tích hợp nhiều dịch vụ để những đơn vị liên kết với bệnh viện có thể sử dụng từ thẻ tích hợp. Quan tâm đặc biệt đối với dữ liệu, hồ sơ trẻ sơ sinh. Định kỳ đề nghị cơ quan công an đến test máy chứa dữ liệu nhằm phát hiện kịp thời mã độc để xử lý. Đối với các Sở được giao trách nhiệm trong đề án, cần phải xem xét những kiến nghị của bệnh viện. Chúng tôi hết sức áy náy vì những việc mà TP chậm trong chỉ đạo, thiếu động viên trong thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND TP về thu nhập tăng thêm. Qua đợt giám sát này, Sở Y tế cần có chính sách đặc thù đối với đội ngũ làm CNTT trong bệnh viện, cần động viên kịp thời những bệnh viện làm tốt đề án “Y tế thông minh”, ông Cao Thanh Bình kết luận.

 

Vài nét về Bệnh viện Hùng Vương

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện hạng 1 tuyến Trung ương, có 900 giường, trong đó có 100 giường dành cho trẻ sơ sinh. Bệnh viện có 32 khoa, phòng (10 phòng chức năng, 22 khoa lâm sàng, cận lâm sàng), trung bình mỗi năm có khoảng 35.000 - 40.000 trẻ chào đời, có từ 20.000 - 25.000 ca phẫu thuật. Ngoài chức năng khám, điều trị về sản phụ khoa, Bệnh viện Hùng Vương còn là nơi đào tạo sinh viên đại học, sau đại học trong và ngoài nước.

Bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính từ năm 2012, hiện có 1.322 cán bộ, bác sĩ, nhân viên trên tổng biên chế được giao 1.367 người. Các lĩnh vực nổi bật của bệnh viện, như: Chẩn đoán trước sinh, sản khoa, phụ khoa, hiếm muộn, khám nhi, các dịch vụ khác. Đến năm 2025, sẽ trở thành bệnh viện chuyên khoa sâu về sản phụ khoa mang tầm quốc tế. Về chuyên môn và cải cách hành chính, Bệnh viện Hùng Vương được chứng nhận quốc tế. Các khoa xét nghiệm, khoa cận lâm sàng đạt tiêu chuẩn ISO, là bệnh viện đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi 3D trong lĩnh vực phụ khoa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần