TP Hồ Chí Minh: Quản lý đất đai còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Sáng nay 22/11, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai và nhiều chuyên gia liên quan lĩnh vực đất đai.
 Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho hay thời gian qua việc quản lý, sử dụng đất ở TP có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về thực thi pháp luật. Việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập nên hiệu quả quản lý chưa cao...
Tại TP, năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỷ đồng, chỉ đạt gần 74% so với dự toán. So với năm 2016, dự toán thu 16.500 tỷ đồng và thực thu 17.000 tỷ đồng, đạt 103%. So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ đất ở TP chỉ chiếm 3 - 5% tổng thu, con số quá khiêm tốn so với tiềm năng thu từ đất ở TP.
Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu đất đô thị, thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế nhà nước giao đất có thu tiền. Nhà nước cho thuê đất và nhà nước thu thuế, phí liên quan đến đất đai đang sử dụng trong khu vực tư nhân.
Theo ông Thắng, tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50 - 90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị.
 Tại TP, nguồn lực đất đai ở được đánh giá sử dụng chưa hiệu quả
Đáng chú ý, ông Thắng nhấn mạnh tài chính đất đai là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thi, nhất là đô thị như TP. Do giá đất quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại lợi ích hoặc làm mất đi lợi ích tính tới đơn vị vài ngàn tỷ đồng.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại hội thảo cho hay, TP được giao nắm giữ 209,5 ngàn ha đất, trong đó hơn một nửa (114 ngàn ha) là đất nông nghiệp, còn lại (94,6 ngàn ha) là đất phi nông nghiệp.
Trong tổng diện tích đất nói trên, có 162,3 ngàn ha đang được sử dụng, 47,3 ngàn ha đang được giao để quản lý chưa được đưa vào sử dụng, và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha.
Như vậy có thể thấy hầu hết đất đai của TP đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng. Cũng như Hà Nội, TP có giá đất cao nhất cả nước. Mỗi m2 đất thuộc bất kể loại đất nào trên thị trường đều có giá từ vài triệu đồng tới khoảng 1 tỷ đồng.
“Một hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc vốn hóa được đất đai, tức là đất đai quy đổi được dễ dàng thành vốn tài chính. Việc quy đổi này tạo ngữ cảnh chi sử dụng nguồn lực đất đai có thể phát triển đô thị theo hướng hiện đại để có một đô thị, đô thị thông minh, đô thị đáng sống…”, ông Thắng nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần