Trong đó, bùn thải từ hệ thống cống rãnh 450.000 - 700.000 tấn/năm, bùn thải kênh rạch 2 - 3 triệu m³/năm; bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt từ 30 - 40 tấn/ngày (dự kiến tăng lên 500 tấn/ngày); bùn thải từ bể tự hoại 30 - 50 tấn/ngày. Khảo sát của Công ty Shiny Việt Nam cho thấy, lượng bùn thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày một tăng. Trong khi đó, các biện pháp xử lý bùn thải hiện nay là chưa triệt để, chưa đảm bảo an toàn về yếu tố môi trường và không đáp ứng được khối lượng bùn thải ngày một lớn. Sau khi được nạo vét, bùn thải sẽ được thu gom vận chuyển về bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Tuy nhiên, hiện nay bãi chôn lấp Đông Thạnh đã quá tải và phải đóng cửa. Với bùn từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp, thì do chủ nguồn thải phát sinh chịu trách nhiệm quản lý, vận chuyển. Hiện, TP Hồ Chí Minh đã quy hoạch phân khu xử lý bùn thải tập trung thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước với diện tích 47ha và giao cho Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh làm chủ đầu tư. Đơn vị này hiện đã xây dựng nhà máy đi vào hoạt động và hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định.