TP Hồ Chí Minh: Sẽ chuyển vốn cho dự án có tiến độ triển khai nhanh

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, tổng vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh được giao theo kế hoạch hơn 31.943 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.479 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 29.464 tỷ đồng). Đến ngày 23/6, chỉ mới giải ngân 5.941 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17% tổng kế hoạch vốn giao.

6 tháng chỉ giải ngân được 17% vốn đầu tư công

Ngày 29/6, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP.

Bên cạnh nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội cùng trên đà tăng trưởng, thì tình hình thực hiện vốn đầu tư công không đạt được như mong muốn.

Trong năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 31.943,648 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 2.479,64 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 29.464,008 tỷ đồng). Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh cung cấp, đến ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 5.941,864 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 17% tổng kế hoạch vốn giao (31.943,648 tỷ đồng).

Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo đúng quy định Luật Đầu tư công và các quy định liên quan. Tỷ lệ giải ngân chưa nhiều so với các năm trước đây do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021.

Ngoài ra, việc tái khởi động thi công các dự án các tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định sau thời gian TP thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19; chi phí đầu vào không ổn định và có xu hướng tăng, chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, khó khăn vướng mắc về thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA...

UBND TP cũng cho biết, nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các cơ quan, đơn vị, như: Các khó khăn liên quan công tác giải phóng mặt bằng; Cần phải có thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án trên cơ sở Nghị quyết 99/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 của HĐND TP; Quyết định 568/QĐ-UBND của UBND TP về giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách địa phương vào ngày 28/2/2022 muộn hơn so với cùng kỳ…

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND TP đã ban hành quyết định 1351/QĐ-UBND ngày 26/4/2022. Mục đích nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp mang tính thường xuyên, đặc thù của công tác giải ngân vốn đầu tư công cho các cơ quan thực hiện, đảm bảo tối đa việc hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công của TP.

Phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vào cuối năm 2022

Ngoài các giải pháp mang tính thường xuyên nêu trên, TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau: Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các  quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; Đôn đốc các nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về thanh toán, quyết toán giá trị công trình và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, báo cáo ngay với UBND TP tình trạng các nhà thầu triển khai chậm trễ, không đảm bảo năng lực, chất lượng, tiến độ, không thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn… Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt tỷ lệ 100% tổng số vốn giao theo đúng các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Đầu tư nước ngoài vào TP Hồ Chí Minh đạt 2,18 tỷ USD

Về thành lập DN, tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung 6 tháng đầu năm 2022 là 524.666 tỷ đồng, giảm 12,34% so với cùng kỳ. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có 20.523 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 253.888 tỷ đồng, tăng 12,04% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 18,06% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh bổ sung tăng 524.666 tỷ đồng, giảm 12,34% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có 1.935 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 23,64% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực có số lượng DN đã giải thể nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2022, gồm: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy (774 DN, chiếm 40,10%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (189 DN, chiếm 9,79%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (171 DN, chiếm 8,86%); Kinh doanh bất động sản (142 DN, chiếm 7,36%); Thông tin và truyền thông (103 DN, chiếm 5,34%); Xây dựng (102 DN, chiếm 5,28%).

Về đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, TP Hồ Chí Minh thu hút được 2,18 tỷ USD, tăng 60,07% so với cùng kỳ.

Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 291 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223,75 triệu USD (tăng 5,43% số dự án cấp mới, giảm 1,28% về vốn đầu tư so với cùng kỳ). Có 68 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,37 tỷ USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), giảm 2,86% về số dự án và tăng 205,19% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho 1.105 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 583,11 triệu USD, tăng 9,62% về số trường hợp so với cùng kỳ, giảm 15,12% về vốn so với cùng kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần