Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh tăng hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều năm qua công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng và thân nhân tại TP Hồ Chí Minh trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn. Do mức sống hiện nay khá cao, nên TP quyết định tăng thêm mức hỗ trợ.

Nâng mức hỗ trợ 1,5 lần/tháng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người CCVCM

Từ ngày 1/1/2025, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng (người CCVCM và thân nhân) theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người CCVCM, có hoàn cảnh khó khăn và có đăng ký thường trú trên địa bàn TP.

Ông Phạm Sơn, thương binh 1/4 (tỷ lệ 84%), là một trong nhiều người tại TP Hồ Chí Minh được tăng mức hỗ trợ hằng tháng, kể từ ngày 1/1/2025. Ảnh: Tân Tiến.
Ông Phạm Sơn, thương binh 1/4 (tỷ lệ 84%), là một trong nhiều người tại TP Hồ Chí Minh được tăng mức hỗ trợ hằng tháng, kể từ ngày 1/1/2025. Ảnh: Tân Tiến.

Cụ thể, tại chính sách 1 có 7 đối tượng thụ hưởng: thương binh và bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân hưởng trợ cấp tuất hai liệt sĩ; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng; người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; con đẻ còn sống của người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học mà bản thân người con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

Đối tượng được xác định có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thuộc các trường hợp: thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định về chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo của TP Hồ Chí Minh; người sống đơn thân/neo đơn (là người có chồng, vợ, con, người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng đã tử vong) hoặc sống độc thân (không chồng/vợ, có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định Luật Hộ tịch) hiện sống một mình hoặc sống với người thân (mà người thân được xác định mức thu nhập theo bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều của TP quy định); người mắc các bệnh hiểm nghèo theo danh mục tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP; điều 5 Nghị định 65/2013/NĐ-CP và các văn bản có liên quan; người đang nuôi dưỡng người khuyết tật.

Mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng bằng 1,5 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người CCVCM tại Nghị định 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người CCVCM đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ.

Hỗ trợ mức giá chênh lệch trang bị phương tiện trợ giúp

TP còn hỗ trợ chi phí cấp bù chênh lệch cho cho người CCVCM và thân nhân là đối tượng thuộc chính sách 2, có nhu cầu trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. Chính sách này có 12 đối tượng được hỗ trợ: người hoạt động cách mạng (HĐCM) trước ngày 1/1/1945; người HĐCM từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh (gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993); người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người HĐKC bị nhiễm chất độc hoá học; người HĐCM, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng thuộc trường hợp người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước Cách mạng tháng Tám năm 1945; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; con đẻ bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.

Các phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình được áp dụng theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ. Theo đó mức hỗ trợ cho sản phầm/nhóm sản phẩm, vật phẩm phụ, bảo trì phương tiện đối với trường hợp được cấp tiền mua xe lăn, xe lắc; trong đó sản phẩm có mức hỗ trợ cao nhất là “chân tháo khớp hông” giá 64.729.200 đồng và thấp nhất là “nạng cho người bị cứng khớp gối” giá 757.600 đồng.

Việc hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình theo nguyên tắc hỗ trợ một lần theo niên hạn. Trường hợp mua sắm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình nằm ngoài danh mục hoặc vượt mức hỗ trợ tối đa, thì đối tượng tự trả phần vượt mức hoặc tự trả cho sản phẩm nằm ngoài danh mục.

Ngoài ra, còn hỗ trợ quà tặng người CCVCM và thân nhân liệt sĩ tiêu biểu khi tham gia hội nghị biểu dương người CCVCM tiêu biểu toàn quốc; chương trình họp mặt người có công tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ và chương trình về nguồn do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức là 3 triệu đồng/người/lần tham dự.

 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc tăng mức hỗ trợ người có công nhằm góp phần đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW về nâng cao đời sống của người CCVCM. Hiện nay, TP quản lý 278.424 hồ sơ, trong đó có 35.563 lượt người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với kinh phí hơn 75 tỷ đồng/tháng (tính đến tháng 5/2024). Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách nêu trên là 39.832.579.500 đồng/năm.