Thời gian qua, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa từng có, nhất là dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khỏe, đời sống Nhân dân, cùng với sự tác động trực tiếp của tình hình suy thoái kinh tế thế giới khiến chuỗi sản xuất, cung ứng gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp, đà phục hồi sản xuất và tiêu dùng nội địa suy giảm.
Trong bối cảnh đó, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ động và kịp thời triển khai, quán triệt và ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, khẩn trương cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội XI đề ra; trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển TP, 51 chương trình, đề án cụ thể, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược của Trung ương.
Theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, hiệu quả của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự tích cực hỗ trợ trách nhiệm cao của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tinh thần tự lực, chủ động, quyết tâm, nêu cao vai trò trách nhiệm, trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng GRDP trong năm 2021 giảm sâu (-4,01%), nhưng đã có sự phục hồi với mức tăng 9,26% trong năm 2022; bình quân giai đoạn 2021-2022 chỉ tăng trưởng 2,41%. Năm 2023, kinh tế TP tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh khó khăn chung, quý I GRDP chỉ tăng 0,7%. Trước tính hình đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương, TP đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 5,81%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,46%, cả năm 2024 dự ước GRDP tăng trưởng đạt 7,5% (đạt so với kế hoạch đề ra năm 2024 là 7,5 - 8%). Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Hạ tầng logistis và ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng khá; ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách và doanh thu; dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh gắn với chuyển đổi số. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao. Ngành nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung chủ yếu vào công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, đến nay 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế biển và ven biển được quan tâm đầu tư phát triển khá đồng bộ, nhất là du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy, hải sản.
Cũng theo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các nguồn lực được tập trung khai thác, phát huy hiệu quả, các thành phần kinh tế được quan tâm hỗ trợ phát triển bằng nhiều giải pháp. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng trưởng với tốc độ bình quân gấp 1,4 lần so với giai đoạn trước, tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, công tác xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề được đẩy mạnh; đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,7%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình duy trì được tỷ lệ khoảng 22,6% so với tổng GRDP TP Hồ Chí Minh; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước. Nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỷ USD, tăng 55,43% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, năm sau cao hơn năm trước, tính đến tháng 6/2024 ước đạt hơn 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ giai đoạn trước, với tốc độ tăng thu bình quân 26,4%.
Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 17,56 tỷ USD; mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn phát triển ngày càng rộng khắp. Các hoạt động hợp tác, liên kết vùng được tập trung, chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực với nhiều địa phương trên cả nước.