TP Hồ Chí Minh tập huấn nghiệp vụ cho 139 tổ chức công đoàn phường, xã, đặc khu
Kinhtedothi - Trong 2 ngày 25 và 26/7, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho 139 công đoàn cơ sở cấp phường, xã, đặc khu trên địa bàn. Đây là bước triển khai quan trọng nhằm cụ thể hóa các nội dung hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công đoàn cấp xã trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền hai cấp tại thành phố.

Quang cảnh buổi tập huấn sáng 26/7. Ảnh: HMT
Buổi tập huấn được tổ chức trên cơ sở thực hiện Hướng dẫn số 41/HD-LĐLĐ ngày 4/7/2025 của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Văn bản này là căn cứ để xây dựng tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ, quyền hạn, cũng như chuẩn bị đội ngũ cán bộ và cơ chế vận hành của công đoàn cấp xã, phù hợp với các quy định mới của Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo nội dung hướng dẫn, công đoàn phường, xã, đặc khu là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng không thuộc biên chế Nhà nước hoặc không có công đoàn cấp trên trực tiếp.
Ban chấp hành công đoàn cấp xã có thể có tối đa 15 ủy viên, tùy theo số lượng đoàn viên. Cụ thể: dưới 1.500 đoàn viên có 7 ủy viên, từ 1.500 đến dưới 5.000 đoàn viên có 9 ủy viên, và tăng dần lên 15 ủy viên khi số lượng đoàn viên từ 25.000 trở lên. Thành phần ban chấp hành phải có cán bộ công đoàn chuyên trách và đại diện các ngành nghề, lĩnh vực đang hoạt động trên địa bàn.
Công đoàn phường, xã, đặc khu có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, tài khoản riêng và được đăng ký mẫu con dấu theo quy định. Về tài chính, nguồn kinh phí hoạt động sẽ được Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đảm bảo theo dự toán hàng năm do công đoàn cấp xã xây dựng và trình duyệt.
Trong phần nội dung nghiệp vụ tại lớp tập huấn, các cán bộ công đoàn cơ sở được phổ biến 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà công đoàn phường, xã, đặc khu cần nắm vững và triển khai hiệu quả tại địa phương, bao gồm:
Chịu trách nhiệm trước Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh và cấp ủy địa phương về việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động công đoàn, phong trào công nhân lao động trên địa bàn; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội của phường, xã, đặc khu thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương và nhiệm vụ công tác công đoàn.
Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; góp phần nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đoàn viên, người lao động.
Hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc.
Tham gia góp ý xây dựng chính sách của địa phương, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, các chính sách liên quan đến người lao động.
Tập hợp, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền, lợi ích của người lao động.
Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân, lao động.
Tổ chức vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng công đoàn cơ sở; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Hướng dẫn công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở phát động các phong trào thi đua yêu nước, gắn kết với nhân dân, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Thực hiện thu kinh phí, đoàn phí công đoàn; quản lý tài chính, tài sản công đoàn theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và các nhiệm vụ khác theo quy định.
Bên cạnh đó, công đoàn phường, xã, đặc khu còn được trao những quyền hạn quan trọng nhằm nâng cao vai trò đại diện và giám sát tại cơ sở. Cụ thể:
Cử cán bộ công đoàn đến tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động gia nhập, thành lập công đoàn cơ sở; tuyên truyền, vận động thành lập nghiệp đoàn cơ sở.
Cụ thể hóa các văn bản của Đảng, công đoàn cấp trên để hướng dẫn các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở trên địa bàn hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định.
Tham gia với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động; giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền của người lao động khởi kiện vụ việc lao động tại tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị vi phạm, trừ trường hợp pháp luật về tố tụng có quy định khác.
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn phường, xã, đặc khu được mời tham dự các kỳ họp, hội nghị, phiên họp của cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã, đặc khu, có liên quan đến các vấn đề đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế về mối quan hệ công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở trên địa bàn.
Chủ trì, tham gia giám sát, phản biện xã hội của công đoàn theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật và của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Đại diện Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc tổ chức tập huấn là bước đi then chốt để các công đoàn cơ sở cấp xã chủ động triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Liên đoàn Lao động TP cũng cam kết tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, định hướng hoạt động cho lực lượng công đoàn cấp cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính và kiện toàn mô hình chính quyền đô thị.
Sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu. Trong đó, theo tiêu chí đề ra có 139 công đoàn cơ sở cấp xã được thành lập.

Hà Nội: sớm thành lập Công đoàn xã, phường thuộc Liên đoàn Lao động thành phố
Kinhtedothi - Thời gian tới, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP sẽ sớm củng cố bộ máy tổ chức Công đoàn, thành lập Công đoàn xã, phường trực thuộc LĐLĐ TP Hà Nội, tương ứng với hệ thống hành chính cấp xã; đồng thời, xây dựng mạng lưới cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tiếp nhận hàng trăm Công đoàn cơ sở từ các huyện
Kinhtedothi - Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận 151 Công đoàn cơ sở từ LĐLĐ các quận, huyện trên địa bàn.

Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tiếp nhận các Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 26/6, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn giao các Công đoàn cơ sở về sinh hoạt tại các Công đoàn ngành Trung ương và Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố.