Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4/2022 

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoản thu phí từ dịch vụ hạ tầng cảng biển dự kiến được khoảng 16.000 tỷ đồng, nếu thực hiện đúng kế hoạch từ ngày 1/7/2021 đến năm 2025. Khoản tiền thu được dùng để đầu tư các dự án mở rộng đường, giúp giảm ách tắc giao thông.

Đối tượng nào phải nộp phí dịch vụ hạ tầng cảng biển?

Sáng 25/3, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo về triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết thời gian thu phí bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2022.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh cho biết thời gian thu phí bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2022.

Theo đó, việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sẽ bắt đầu từ lúc 0 giờ ngày 1/4/2022. Việc thu phí nêu trên thực hiện theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP Hồ Chí Minh.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP Hồ Chí Minh. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển (gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan trong và ngoài TP Hồ Chí Minh).

Mức mức thu phí theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020, được quy định như sau: Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container với container 40 feet (Ft) và 2,2 triệu đồng/container với container 20ft.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh, áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20ft; 1 triệu đồng/container đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Trong khi đó, với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh, cho biết, việc nộp phí không sử dụng tiền mặt. Các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí sử dụng các hạ tầng giao dịch điện tử liên ngân hàng để nộp phí cho cơ quan thu phí thông qua hệ thống 24/7 của 3 ngân hàng thương mại: Vietinbank, Vietcombank, BIDV. Hoạt động thu phí được thực hiện không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Tiền thu được khoảng 16.000 tỷ đồng dùng để mở rộng đường

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, trước đó TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến ngày 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022. Việc lùi thời điểm thu phí với số tiền 2.205 tỷ đồng tiền phí dự thu được coi như một khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt “bão” Covid-19.

Mức thu phí và các bước nộp phí.
Mức thu phí và các bước nộp phí.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan sớm tiếp cận với hệ thống thu phí trước khi vận hành hệ thống thu phí chính thức. Từ 0 giờ ngày 16/2/2022 đến hết ngày 15/3/2022, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Cục Hải quan, các doanh nghiệp cảng biển khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn triển khai vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển trên môi trường thật - không thu phí. Qua thời gian thử nghiệm có trên 2.000 doanh nghiệp đã vào thao tác trên hệ thống và các doanh nghiệp cho rằng hệ thống vận hành tốt.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định mục đích thu phí nhằm tạo ra nguồn thu để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy trì bảo dưỡng công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn. Số tiền đã dự toán giai đoạn từ 2021 - 2025 có tính toán đến năm 2025 - 2030. Cụ thể, với số tiền sau khi thu được 5 năm sẽ thực hiện cho 14 dự án, như: Đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh… Nếu khoản thu phí này diễn ra đúng kế hoạch từ ngày 1/7/2021 đến năm 2025 dự kiến sẽ được khoảng 16.000 tỷ đồng. Khi xây dựng đề án thu phí, TP Hồ Chí Minh cũng đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, tất cả ý kiến phản hồi đều thống nhất với chủ trương thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển của TP Hồ Chí Minh.

Còn ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TTT&TT, khẳng định trong quá trình xây dựng đề án thu phí, TP Hồ Chí Minh đã thống nhất giao Sở GTVT thu phí không bằng tiền mặt, mà thông qua 3 ngân hàng, do đó việc thu rất minh bạch.