Có 5 nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh tháng 2 và nhiệm vụ tháng 3/2019 diễn ra sáng nay (5/3), ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết từ trước đến này nhà đầu tư luôn dành sự ưu ái lớn đến những dự án có vị trí đắc địa của TP. Đặc biệt đối với dự án Bình Quới - Thanh Đa hiện nay đang được 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu.
Để được tham gia các nhà đầu tư buộc phải đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm với TP, mong muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án. Bên cạnh đó, cũng đưa ra những yêu cầu của TP đối với nhà đầu tư nếu trúng thầu, như thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng…
Để công tác chuẩn bị được tốt nhất, hiện nay TP đang rà soát lại quy hoạch toàn bộ dự án và tiến hành nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn, điều chỉnh lại ranh dự án, tạo điều kiện cho người dân nằm ngoài ranh dự án phát triển theo quy hoạch đã được duyệt. Giao Sở KHĐT xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư … Hy vọng việc tổ chức đấu thầu sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất.
Dự án Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái từ năm 1992.
Theo quy hoạch, khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa rộng 426 ha sẽ là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người. Để kết nối đến bán đảo này sẽ xây dựng một số cây cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các quận lân cận.
Năm 2004, TP thu hồi, giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2010, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn bị thu hồi quyết định đầu tư. Dự án này sau đó được TP giao lại cho Tập đoàn Bitexco lập quy hoạch 1/2000.
Cuối năm 2015, Bitexco liên danh với và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) và được chính quyền TP Hồ Chí Minh chỉ định là nhà đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư hơn 30.7000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2017, Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh và dự án tiếp tục giậm chân tại chỗ từ đó cho tới nay.
Coi chừng đi vào vết xe đổ
Sau hơn 2 thập niên kể từ khi có chủ trương quy hoạch với nhiều chủ đầu tư vào rồi lại ra, đến nay Bình Quới - Thanh Đa vẫn là siêu dự án “đất vàng” nằm “treo” giữa Sài Gòn.
Trái ngược với hình ảnh những tòa nhà cao tầng đang chen nhau mọc lên bên kia quận 2, quận 1, khu Bình Quới – Thanh Đa hiện vẫn như một làng quê với ruộng lúa, ao sen, đồng cỏ.
Mang tiếng sống ở trung tâm TP, nhưng người dân ở đây vẫn trồng lúa, nuôi heo, chăn gà vịt đúng chất nông dân. Nhà cửa phần lớn đều lụp xụp, xuống cấp, nhiều căn chỉ quây tôn và lợp mái lá đơn sơ. Những con đường nhỏ quanh co, nhưng mặt đường hư hỏng, chạy xe xốc liên hồi.
Theo phản ánh của người dân, khổ nhất là tình trạng nhà cửa xuống cấp, không thể xây dựng mới. Nhiều gia đình có đất nhưng không thể xây dựng nhà cửa, con cái lập gia đình phải đi thuê ở nơi khác.
Hiện tại, hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa vẫn đang sống bấp bênh và… tiếp tục chờ đợi.
Trước đó, chia sẻ trong buổi họp báo ngày 1/11/2018, ông Võ Văn Hoan (Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh) cho biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào dự án Bình Quới - Thanh Đa.
"Tuy nhiên nhà đầu tư hỏi có 3 câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời được. Câu hỏi đầu tiên là tổng mức bồi thường là bao nhiêu? Bao giờ giao đất và một câu nữa là đơn giá sử dụng đất như thế nào? Nếu có đất sạch họ sẽ đầu tư ngay nhưng chúng ta chưa thể trả lời được nên họ quyết định không chờ nữa. Sau này cũng có nhiều nhà đầu tư hỏi tương tự nhưng chúng ta vẫn bế tắc để trả lời. Doanh nghiệp nước ngoài rất sợ những trường hợp chưa rõ ràng. Họ sợ sập bẫy và rút ra không được" - ông Hoan nói.
Mặc dù thông tin hiện có 5 nhà đầu tư xin tham gia đấu thầu dự án, chứng tỏ rằng khu Bình Quới - Thanh Đa có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên đi cùng với đó TP Hồ Chí Minh cũng cần chú ý đến việc lựa chọn nhà đầu tư uy tín, thích hợp để tránh tình trạng dự án treo như mấy chục năm nay.