TP Hồ Chí Minh: Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau 1 tuần, số phường, xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có dịch Covid-19 ở cấp độ 3 (vùng nguy cơ cao) đã tăng từ 4 lên con số 13.

Dịch cấp độ 3 tăng hơn 3 lần chỉ sau 1 tuần

Chiều 8/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

 Ông Phạm Đức Hải

Ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, hiện tại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đánh giá ở cấp độ 2. Có 13/22 quận, huyện và TP Thủ Đức có dịch cấp độ 1 (vùng xanh, an toàn); 7/22 quận huyện có dịch Covid-19 ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình). 2 huyện Nhà Bè và Cần Giờ có dịch Covid-19 cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao). Số F0 phát hiện vẫn đang ở mức trên trên dưới 1.000/ngày…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam, trong tuần qua, số ca F0 phát hiện trên địa bàn là 6.622, thấp hơn tuần trước hơn 500 ca. Số ca F0 phát hiện ở các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Nhà Bè tăng. Tại huyện Nhà Bè có 2 khu công nghiệp, sau khi công nhân quay trở lại làm việc, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm đã phát hiện nhiều F0. Tuy nhiên, do doanh nghiệp không có khu cách ly riêng nên số F0 mới phát hiện được chuyển về cách ly tại địa phương. Tại huyện Cần Giờ, người dân xã Lý Nhơn đi làm ở khu công nghiệp Long Hậu, Long An trở về và phát hiện bị F0. 2 huyện Cần Giờ và Nhè Bè hiện nay được đánh giá là khu vực có nguy cơ cao.

Nhận định về tình hình dịch, ông Phạm Đức Hải cho rằng, tuần trước, tại buổi họp báo ngày 4/11, trên địa bàn TP ghi nhận 4 phường, xã có dịch Covid-19 ở cấp độ 3. Đến hôm nay, 8/11 trên địa bàn TP đã có 13 phường xã có dịch Covid-19 ở cấp độ 3. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đề nghị người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch, thực hiện 5K.

Một vấn đề được báo chí quan tâm đó là hiệu quả của việc sử dụng thuốc kháng vi rút Molnupiravir trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, thuốc Molnuporavir hay còn gọi là thuốc C, dùng trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được kiểm soát đặc biệt. Việc sử dụng thuốc C để điều trị cho bệnh nhân Covid -19 là đề tài nghiên cứu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ghi nhận từ các bác sĩ điều trị, bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc C từ 2 đến 3 ngày, cho kết quả, triệu chứng và nồng độ virus giảm xuống tốt.

Cơ sở dịch vụ ế ẩm là do người dân còn e dè

Một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm đó là việc TP Hồ Chí Minh đã có 2 tuần thí điểm cho phép cơ sở dịch vụ trên địa bàn quận 7 và TP Thủ Đức bán đồ uống có cồn tại quán, vậy khi nào TP Hồ Chí Minh sẽ cho phép các cơ sở dịch vụ ở các quận huyện còn lại được phục vụ đồ uống có cồn tại quán?

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thí điểm cho phép bán đồ uống có cồn tại quán trên địa bàn TP Thủ Đức và quận 7 có lộ trình đến ngày 15/11, sau đó sẽ sơ kết rút kinh nghiệm, hiện tại vẫn đang theo dõi.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho thêm, việc mở cửa trở lại đối với dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ đã được 2 tuần, tuy nhiên ghi nhận chung là không khí cũng rất ảm đạm, nguyên nhân có thể là do người dân vẫn còn e dè chứ không hẳn là do quy định khung giờ phục vụ ngắn.

Trước mắt, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ có rà soát đánh giá các yếu tố liên quan đến dịch, tham mưu giải pháp phù hợp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực mở lại các cơ sở dịch vụ, báo chí đặt vấn đề vì sao đến thời điểm hiện nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa cho phép các dịch vụ như xe grab, massage, karaoke được hoạt động?

Ông Phạm Đức Hải cho biết, nguyên tắc là mở phải an toàn, an toàn đến đâu mở đến đó, thực hiện từng bước chắc ăn để đảm bảo an toàn. Hiện nay số ca F0 phát hiện hàng ngày vẫn còn cao, diễn biến dịch hết sức phức tạp, khó lường… hiện tại chưa đủ điều kiện để cho các dịch vụ đó hoạt động trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần