Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm vừa ký văn bản khẩn, gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức phản biện xã hội về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.
TP Thủ Đức gồm 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, được hợp nhất với 6 khu vực chức năng sẽ là TP sáng tạo phía Đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh |
UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi toàn văn dự thảo đề án cho cơ quan Mặt trận Tổ quốc TP, làm cơ sở cho việc tổ chức góp ý, phản biện, nhằm góp phần hoàn thiện đề án, đảm bảo việc triển khai đề án đạt được hiệu quả cao nhất khi trình các cấp thẩm quyền xem xét, thẩm định.
UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tổ chức phản biện giúp hoàn thiện đề án, đảm bảo việc triển khai đề án hiệu quả cao khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định.
Theo phương án mới nhất được Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh báo cáo với bộ ngành trung ương, sẽ có 3 quận và 19 phường tại TP thuộc diện sẽ sáp nhập. Cụ thể:
Sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức. Chính quyền TP kỳ vọng nơi đây sẽ là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Quận 2: nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; nhập phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh.
Quận 3: nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu.
Quận 4: nhập phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13.
Quận 5: nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12.
Quận 10: nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2.
Quận Phú Nhuận: nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.
Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (16 quận, một TP và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).