Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Trận mưa chiều 26/9 lớn nhất 40 năm qua

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết với lượng mưa trên 200 mm, trận mưa chiều 26/9 lập kỷ lục số liệu của Đài từ ngày thành lập năm 1976 đến nay.

Ngày 27/9, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm Chống ngập) vừa có báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình ngập nước trên các tuyến đường thành phố do cơn mưa lớn chiều 26/9.

 Đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh được xác định là điểm ngập sâu nhất TP với mức nước 0,5 m. Ảnh: Tùng Tin.

Theo báo cáo, trận mưa chiều 26/9 được xem là lớn nhất từ đầu năm đến nay, chỉ trong khoảng 1 giờ 30 phút, vũ lượng đã đạt đến 204,3 mm, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Cụ thể: Đối với tuyến cống cấp 3 là mưa 75,88 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa 85,36 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa 95,91 mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là +1,32 m.

Sau trận mưa trên địa bàn thành phố đã xảy ra ngập tại 59 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 0,10 m đến 0,50 m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2.

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian mưa từ 16h30 phút đến 17h50, vũ lượng đạt 170,3 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu ngập 0,30, thời gian nước rút khoảng 1 giờ sau mưa (tình hình đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26/8 do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến Mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước).

Cũng trong trận mưa chiều 26/9, một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như: đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân,...

Theo Trung tâm Chống ngập, nguyên nhân ngập là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy.

Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng xử lý còn chậm. Bên cạnh đó, một số dự án thoát nước đang triển khai thi công nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.

Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP Hồ Chí Minh cũng đã có báo cáo nhanh về các điểm ngập vào chiều 26/9. Cụ thể, khu vực Tân Hóa – Lò Gốm có 9 điểm ngập, trong đó đường An Dương Vương (đoạn gần Tân Hòa Đông) ngập sâu nhất đạt ở mức 0,35 m; các tuyến đường Mai Thị Lựu, đường 3/2, Tô Hiến Thành nước dâng cao từ 0,20-0,30 m…

Nơi được cho là ngập sâu nhất TP là đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ Tân Cảng đến Sài Gòn Peal) 0,5 m.

Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ vũ lượng đo tại trạm Mạc Đỉnh Chi (204,3 mm), Thanh Đa (172,2 mm), Cầu Bông (133,3 mm), Phước Long (115,4 mm) … Đối chiếu với các tuyến cống cấp 2 ở trung tâm TP thì lượng mưa với vũ lượng cao hơn thực tế gấp 1,5 lần nên xảy ra hiện tượng ngập, lụt. Đây là trận mưa lớn nhất trong 40 năm qua.

Đến sáng hôm nay 27/9, vẫn còn nhiều tuyến đường TP Hồ Chí Minh còn ngập sâu như Linh Đông, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Lương Đình Của, Trần Não (quận 2)....