Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Triển khai sóng 5G hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng đô thị thông minh

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của chuyên gia công nghệ Võ Đỗ Thắng nhân sự kiện Tập đoàn Viettel công bố phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT) tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 21/9 vừa qua. Có thể nói, đây là một bước ngoặc quan trọng, hỗ trợ tốt cho TP trong hành trình xây dựng đô thị thông minh.

Trải nghiệm công nghệ 5G đầu tiên trên cả nước
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và UBND TP Hồ Chí Minh đã chính thức công bố phát sóng 5G và đưa vào khai thác IoT tại TP. Theo đó, TP trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng 5G liền mạch và IoT trên diện rộng. Viettel công bố đã hoàn thành việc xây dựng 1.000 trạm sử dụng công nghệ NB-IoT phủ sóng 100% địa bàn TP, tạo ra vùng phủ kết nối hàng triệu thiết bị IoT hỗ trợ cho mọi hoạt động xã hội như giao thông vận tải, điện, nước, ứng dụng và dịch vụ cho người dân tăng mức độ tin cậy, sự tiện dụng và lợi ích kinh tế.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham quan trải nghiệm công nghệ 5G.
Với việc chính thức phát sóng mạng 5G này sẽ cho phép người dân sinh sống trên địa bàn TP được trực tiếp trải nghiệm công nghệ 5G đầu tiên trên cả nước. Toàn bộ các trạm 5G tại TP sử dụng hệ thống ăng ten thông minh với 64 bộ thu phát, kỹ thuật điều chế bậc 8 (256-QAM) và có thể truyền tối đa 4 luồng dữ liệu song song đồng thời. Đây cũng là cấu hình tiên tiến nhất hiện nay khi triển khai công nghệ 5G.
Với hạ tầng mà Viettel đã xây dựng, TP cũng trở trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có được một hạ tầng đồng bộ, rộng khắp, dung lượng lớn, tốc độ cao sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thành phố. Cùng với Cloud, hệ thống cáp quang rộng khắp, hạ tầng 3G, 4G đã được Viettel đầu tư trước đó, NB-IoT và 5G được chính thức đưa vào khai thác là những nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại TP và cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ phát sóng 5G của Viettel, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP Hồ Chí Minh đang rất quyết tâm xây dựng đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm. 

“Việc hợp tác xây dựng hạ tầng ICT hiện đại và các nền tảng cốt lõi cho xã hội số sẽ giúp TP hiện thực hóa tầm nhìn và chiến lược này, giữ vững vai trò chủ lực, dẫn đầu cả nước trong việc chuyển đổi số”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Sau TP, dự kiến trong tháng 9 này, Viettel sẽ phủ sóng NB-IoT cho 100% địa bàn thủ đô Hà Nội và có lộ trình triển khai tại TP Đà Nẵng cũng như mở rộng ra toàn quốc trong 2 năm sắp tới. Với kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai 5G.
Những lợi ích mang lại cho người dân TP
 Việc sớm triển khai 5G là một bước quan trọng và hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh.
Có thể nói, việc sớm triển khai 5G là một bước quan trọng và hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng TP thành đô thị thông minh.Ngày 23/9, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Võ Đỗ Thắng (Giám đốc TT đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena) cho biết: "Mặc dù ngày 21/9 Viettel mới chính thức triển khai sóng 5G tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để làm được điều này, chắc chắn Viettel đã có sự chuẩn bị chu đáo trước đó. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, và hơn hết việc phủ sóng 5G dự kiến sẽ hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng TP này trở thành đô thi thông minh".
Với ưu điểm có tốc độ nhanh, độ trễ thấp nhờ vào mật độ trạm thu phát sóng di động (BTS) dày đặc hơn, băng thông nhiều hơn, hạ tầng 5G chính là nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong đô thị thông minh này.
Cũng theo ông Thắng, khi 5G được triển khai tạo nền tảng kích thích phát triển những ứng dụng mới. 5G với những tính năng vượt trội về tốc độ lên tới 10 Gpbs - gấp 10 lần mạng 4G LTE, độ trễ nhỏ hơn 1ms và hỗ trợ kết nối tới 1 triệu thiết bị trên 1 km2… là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa.
Đồng thời, khi hạ tầng kỹ thuật đã có, TP sớm xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng 5G trong quá trình triển khai đô thị thông minh, mở ra những giải pháp tối ưu hơn trên các lĩnh vực như giao thông thông minh, hành chính công, y tế... và nhiều dịch vụ mới phong phú hơn.
Ngoài ra, công nghệ 5G có thể tạo ra nhiều việc làm mới, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ.
Như vậy, 5G là một trong những mũi nhọn mang tính đột phá để TP sớm tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, người dùng sẽ trải nghiệm các dịch vụ với tốc độ siêu nhanh, đây là điều rất quan trọng đối với các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong phân tích và xử lý dữ liệu.
Những lợi ích do mạng 5G mang lại là rất lớn. Mặc dù vậy, vẫn còn một số vấn đề cần phải được giải quyết trước khi công nghệ 5G có thể trở thành phổ biến. Đó là sự sẵn sàng của băng tần và các thách thức về mặt công nghệ. Vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để tạo ra các kiến trúc mạng có thể gia tăng được lượng dữ liệu truyền tải cao hơn và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng. Sự tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với lượng dữ liệu chia sẻ cao gấp 1.000 lần và tốc độ truyền tải nhanh hơn từ 10-100 lần tốc độ mạng hiện nay. 
Những nét mới của công nghệ 5G so với trước
- Yếu tố đầu tiên là tốc độ: Thật khó để cung cấp một con số chính xác thực tế, vì cơ sở hạ tầng 5G đang trong giai đoạn phát triển với nhiều tiêu chuẩn chưa được hoàn thành. Tuy nhiên, theo lý thuyết, tốc độ 5G có thể đạt đến 10Gbps, thậm chí còn cao hơn, tức gấp 100 lần so với chuẩn 4G LTE hiện tại. Để hiểu rõ hơn, hãy hình dung bạn chỉ cần vài giây để 5G tải xuống một bộ phim 4K!
- Bên cạnh đó, nhờ băng thông cực lớn so với 4G, mạng 5G có thể đảm bảo số lượng thiết bị kết nối rất lớn mà vẫn giữ được tốc độ Internet ổn định. Hơn nữa, công nghệ mạng 5G được tối ưu hóa để đảm bảo các thiết bị khi hoạt động không chiếm nhiều băng thông quá mức cần thiết. Ngoài ra, 5G được cho là sẽ tiêu tốn điện năng ít hơn nhiều so với 4G, nhờ vậy mà thời lượng pin của các thiết bị kết nối mạng cũng sẽ cao hơn.
- Tựu trung lại, ta có thể hiểu những ưu thế của 5G so với các công nghệ cũ gồm:
+ Tốc độ tối đa cao hơn. => Tốc độ Download/Upload nhanh hơn
+ Độ trễ thấp hơn => Các dịch vụ Stream hoạt động mượt mà hơn; Chất lượng Voice call và Video Call cao hơn.
+ Kết nối được nhiều thiết bị cùng lúc hơn. => Kết nối mạng ổn định hơn, ứng dụng đa dạng hơn vào đời sống.