70 năm giải phóng Thủ đô

TP Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi làm các thủ tục hành chính liên quan đến hộ tịch, người dân không cần cung cấp cho cơ quan Nhà nước các bản sao giấy tờ, vì việc này đã được số hóa.

Số hóa 11,7 triệu hồ sơ

Chiều 5/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 và phương hướng quý II/2022. Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hồ Chí Minh đã báo cáo nhiều vấn đề lớn của TP, trong đó có chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.

Toàn cảnh buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022, phương hướng quý II/2022 của TP Hồ Chí Minh vào chiều 5/4.  
Toàn cảnh buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022, phương hướng quý II/2022 của TP Hồ Chí Minh vào chiều 5/4.  

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, đối với đề án “Đô thị thông minh”, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang tích hợp cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý 1/2.000, 1/5.000, triển khai các lớp dữ liệu khác thuộc danh mục dữ liệu không gian dùng chung của TP. Về cơ sở dữ liệu hộ tịch, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành công tác số hóa sổ hộ tịch, khoảng 11,7 triệu hồ sơ.

Đồng thời, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Sở Tư Pháp phối hợp xây dựng phương án khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch giúp người dân không cần cung cấp cho cơ quan nhà nước các bản sao giấy tờ liên quan đến hộ tịch khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Về cơ sở dữ liệu bảo hiểm, TP Hồ Chí Minh đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp Bộ TT&TT, Bộ Y tế kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHXH về kho dữ liệu dùng chung của TP phục vụ công tác chuyển đổi số và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh. Song song đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Y tế duy trì kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 về kho dữ liệu dùng chung của TP phục vụ công tác chuyển đổi số và công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với cơ sở dữ liệu người dân, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện triển khai dự án “Hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung về người dân của TP (giai đoạn 1)”. Nhằm chuẩn bị vận hành chính thức hệ thống quản lý dữ liệu người dân, TP đã chỉ đạo Sở TT&TT ban hành kế hoạch đào tạo hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung về người dân của TP.

TP Hồ Chí Minh đã giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì phối hợp Cục Thống kê và Sở TT&TT xây dựng và thực hiện đăng ký đề tài “Đánh giá đóng góp của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Hồ Chí Minh” nhằm thực hiện công tác đánh giá hoạt động kinh tế số của TP.

TP Hồ Chí Minh cũng giao Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn Chuyển đổi số (DXCenter) triển khai thành lập các nhóm chuyên gia, chuẩn bị các công tác liên quan việc sửa chữa mặt bằng hoạt động cho DXCenter, tổ chức xây dựng cổng thông tin DXCenter, là kênh chính thức tổng hợp thông tin có địa chỉ tại https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn.

Liên thông kết nối điện tử hơn 980 đơn vị trên địa bàn

TP Hồ Chí Minh cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước. Cụ thể, hệ thống thư điện tử công vụ đã cấp 24.019 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của các sở ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan báo chí, Tổng công ty để trao đổi công việc nội bộ và bên ngoài.

Sở TT&TT đã triển khai hệ thống tiếp nhận yêu cầu thư điện tử TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ: http://baocao.ict-hcm.gov.vn/cntt cho các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện nhằm phục vụ công tác thống kê, báo cáo, gửi yêu cầu liên quan đến hệ thống thư điện tử.

Về hệ thống quản lý tài liệu điện tử, đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai liên thông kết nối hơn 980 đơn vị trên địa bàn gồm: Các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các Tổng công ty và đơn vị trực thuộc. Có khoảng 8,8 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của TP.

Đối với hệ thống hội nghị trực tuyến, thời gian qua đã được sử dụng thường xuyên để tổ chức các cuộc họp về công tác tuyên truyền, triển khai ứng dụng CNTT, các buổi tập huấn trực tuyến, hội nghị sơ kết, tổng kết; Chỉ đạo điều hành từ xa của Thường trực UBND TP, giữa các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường xã, thị trấn. Hệ thống hội nghị trực tuyến hoạt động trên môi trường internet và metronet, được nâng cấp trở thành hệ thống điều hành của TP trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng ứng dụng CNTT đã triển khai và đưa vào vận hành chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu TP (LGSP) có các dịch vụ dùng chung, như: Dịch vụ liên thông văn bản; Dịch vụ liên thông hồ sơ hành chính; Dịch vụ công trực tuyến; Liên thông dịch vụ bưu điện, dịch vụ thanh toán trực tuyến, dịch vụ danh mục dùng chung, dịch vụ xác thực…, để chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị tại TP và kết nối liên thông thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), thực hiện liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, BHXH, Bộ TT&TT.

 

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện kết nối phần mềm tác nghiệp của các đơn vị: Sở, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện với LGSP để hình thành kho dữ liệu dùng chung của TP; Phối hợp Cục Tin học hóa kết nối chính thức LGSP với trục NGSP về kho dữ liệu dùng chung của TP. 

Đồng thời đã kết nối: Danh mục điện tử dùng chung; Lý lịch tư pháp, Hộ tịch điện tử, đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc (PayGov). Phối hợp với bưu điện TP tích hợp hệ thống định danh xác thực POSTID của bưu điện lên LGSP.