TP Hồ Chí Minh: Vẫn chưa quyết cho lực lượng shipper hoạt động trở lại

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện nay TP vẫn chưa có ý kiến chính thức về đề xuất cho lực lượng shipper giao nhận hàng hóa hoạt động trở lại.

Hoàn thành xét nghiệm vùng đỏ
Chiều 29/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã có buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch trên địa bàn, công tác điều trị cho người nhiễm Covid-19, công tác chăm lo đời sống cho người dân.
 Ông Phạm Đức Hải (đứng) tại buổi họp báo
Ông Phạm Đức Hải - Phó ban, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hôm nay là ngày thứ 7, TP Hồ Chí Minh thực hiện Công điện của Thủ tướng và Chỉ thị 11 về tăng cường giãn cách xã hội. Tính đến hết ngày 27/8, hầu hết địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với "vùng cam", "vùng đỏ". Riêng đối với "vùng xanh", "vùng cận xanh" và "vùng vàng", công tác xét nghiệm mới chỉ đạt kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%.
Trong thời gian tới, giao Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm trên địa bàn phụ trách với phương châm thần tốc, hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
Các "vùng xanh", "vùng cận xanh" và "vùng vàng" đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1, sau khi kết thúc đợt 1, thực hiện tiếp đợt lấy mẫu xét nghiệm lần 2 để phân loại lại các vùng nguy cơ.
Đối với các "vùng đỏ", "vùng cam" đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu…
“Việc chỉ đạo cho thấy tính quyết liệt của UBND TP trong công tác phòng chống dịch”, ông Phạm Đức Hải nhận định.
Về kết quả xét nghiệm từ 18 giờ ngày 27/8 đến 18 giờ 28/8, ngành chức năng đã lấy được 366.423 mẫu, trong đó có 8.586 mẫu đơn và 9.304 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 290.093.
Về tiêm chủng vaccine, đến ngày 28/8 tổng số liều đã tiêm là 5.865.276. Trong đó, tổng số tiêm mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.
Vẫn chưa quyết cho shipper hoạt động trở lại
Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm nhiều nhất tại cuộc họp báo đó là, TP Hồ Chí Minh đã quyết cho lực lượng shipper giao nhận hàng hóa hoạt động trở lại hay chưa?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hôm qua tại buổi họp báo có sự trao đổi về đề xuất cho shipper hoạt động trở lại, tuy nhiên tới thời điểm hiện nay chưa nhận được chỉ đạo của TP, nên chưa thể trả lời được.
 TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có quyết định chính thức về đề xuất cho phép lực lượng shipper hoạt động trở lại
Trong lĩnh vực phụ trách của Sở Công Thương, một vấn đề khác cũng được báo chí quan tâm là công tác "đi chợ hộ", phát lương thực cho người khó khăn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP Hồ Chí Minh có chủ trương không để ai thiếu đói, nên các tổ công tác đã nỗ lực đưa "túi an sinh" đến với người dân gặp khó khăn. Có vài nơi, vài địa bàn còn chậm hoặc chưa phát lương thực, "túi an sinh" đến kịp thời cho người dân. Người dân có thể gọi các số điện thoại được cung cấp của tổ công tác để kịp thời phân phát "túi an sinh".
Điều trị F0 tại nhà
Vấn đề điều trị F0 tại nhà cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo. Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết, TP đã tiến hành phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. Trong túi thuốc được phát gồm ba túi, túi A gồm 2 loại là hạ sốt và vitamin, túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông máu, túi C là thuốc Molnupiravir. Về quy trình, khi phát hiện F0, tổ y tế lưu động tiếp cận lần đầu sẽ phát túi A và B. Túi A dùng trong 7 ngày, túi B dùng trong 3 ngày.
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm, thuốc kháng viêm và kháng đông là loại thuốc điều trị sử dụng trong điều kiện đặc biệt. Thuốc kháng đông máu và kháng viêm dùng khi có dấu hiệu khó thở, hồi hộp, tim nhanh, thở nhanh, SpO2 (nồng độ oxy) dưới 95% thì F0 hoặc người nhà phải gọi cho nhân viên y tế. Trong khi chờ nhân viên y tế, F0 có thể dùng 1 liều đầu tiên và phải tiếp tục gọi nhân viên y tế chứ không được tự xử lý.
Túi C là thuốc Molnupiravir không phát cho tất cả F0, nhân viên y tế sẽ giữ. Trong quá trình tiếp cận, thăm khám, nhân viên y tế tìm hiểu sơ bộ tình hình của F0. Nếu đúng chỉ định, F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì cho sử dụng. Thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ vì có một số chống chỉ định như phụ nữ mang thai, cho con bú… Chỉ nhân viên y tế, bác sĩ thăm khám mới có quyền chỉ định, F0 mới được sử dụng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần