Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Vì sao chưa thể “cởi trói” 124 dự án bị dừng triển khai?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định giá, tổ chức bồi thường cho người dân…là những khó khăn còn tồn động, khiến kế hoạch “cởi trói” 124 dự án đang bị dừng triển khai chưa thể hoàn thành.

Trong cuộc họp triển khai triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh quý IV/2019, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường cho biết vẫn chưa giải quyết xong vấn đề của 124 dự án “tê liệt”.
 TP Hồ Chí Minh chưa thể hoàn thành việc cho phép tiếp tục triển khai 124 dự án bị "niêm phong" vì còn nhiều vướng mắc.
Mắc ở nhiều khâu
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong 124 dự án chậm tiến độ, đến nay đã có 60 dự án hoàn tất, 12 dự án thủ tục đã được phép xây dựng, 17 dự án cấp khu đất cho người dân. Hiện nay còn 26 dự án đang được các sở ngành hỗ trợ để xử lý, trong đó cần giải được vấn đề liên quan đến khâu xác định giá và tổ chức bồi thường cho người dân.
Trước đó, tháng 4/2019, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở ban ngành liên quan tạo điều kiện cho chủ đầu tư 124 dự án chậm triển khai được thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo. Những dự án bất động sản này đang được chủ đầu tư triển khai dở dang nhưng phải tạm ngưng để phục vụ công tác thanh kiểm tra, điều tra nên đang vướng mắc nhiều thủ tục.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hàng trăm dự án đang bị tạm ngưng triển khai để chờ rà soát, thanh tra nói trên.
Theo HoREA, việc thanh tra kéo dài đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản như lãi vay ngân hàng tăng, mất cơ hội kinh doanh. Không những vậy, tình trạng này kéo theo số lượng nhà ở đưa ra thị trường giảm đáng kể, không đáp ứng được nhu cầu thật của người tiêu dùng, tê liệt thị trường bất động sản, giảm thu ngân sách…
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng TP cần công bố danh mục 124 dự án để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các Sở, ngành nhằm hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Việc này còn giúp cho người mua nhà yên tâm.
Đồng thời, UBND TP cần phân loại những dự án thành các loại để có phương án xử lý phù hợp. Cụ thể, trong quá trình thanh, kiểm tra các dự án đất công thuộc diện bị thu hồi thì cơ quan này đề nghị chia ra làm 3 nhóm chính để có phương án xử lý phù hợp.
Nhóm 1 bao gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất.
Nhóm 2 bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn thì yêu cầu người sử dụng đất hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước (nếu có).
Nhóm 3 bao gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì cơ quan có thẩm quyền sớm có kết luận, giải quyết cụ thể đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án bất động sản thuộc diện bị rà soát về các thủ tục pháp lý và hành chính, nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định đình chỉ thực hiện dự án hoặc quyết định khởi tố điều tra thì được tiếp tục giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện dự án.
Thị trường đi xuống vì thiếu dự án
 Chờ rà soát, hàng trăm công trình nằm bất động trong ngổn ngang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường bất động sản TP những tháng đầu năm 2019 đều luôn trong tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Cụ thể, giảm mạnh về nguồn cung mới so với nhiều năm trở lại đây. Đơn cử, ở phân khúc đất nền, cả quý I/2019 chỉ ghi nhận có 2 dự án đất nền mới đáng chú ý được mở bán, cung ứng ra thị khoảng 259 nền, bằng 24% so với nguồn cung quý IV/2018.
Đối với phân khúc căn hộ, theo số liệu tổng hợp của DKRA Vietnam, lượng cung cũng giảm kỷ lục trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, nguồn cung mới chỉ bằng 25% so với quý IV/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý IV/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Phân khúc nhà phố và biệt thự ghi nhận có 3 dự án đáng chú ý được mở bán trong quý I/2019, cung cấp ra thị trường 183 căn, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ở quý II/2019, quý III/2019 tình hình cũng không khả quan hơn, khi thị trường thiếu hụt nguồn cung mới ở hầu hết các phân khúc.
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một doanh nghiệp bất động sản tại TP cho biết, năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này vì tính “cửa” lâu dài tại thị trường TP Hồ Chí Minh nên đã dồn toàn lực, liên tục thâu tóm quỹ đất để chuẩn bị làm dự án. Theo đó, số vốn bỏ ra mua quyền sử dụng đất là rất lớn, để có tiền buộc doanh nghiệp phải vay ngân hàng.
Không triển khai được dự án khiến số nợ của doanh nghiệp ngày càng chồng chất. Lãi suất ngân hàng mỗi tháng phải trả cộng với tiền lương cán bộ nhân viên, khiến cho nguồn tài chính bị hao hụt. Trong khi đó, có những dự án của doanh nghiệp đã triển khai thử tải móng, nộp hồ sơ trên Sở Xây dựng, UBND TP gần 2 năm trời, nhưng tới nay vẫn chưa được xét duyệt bởi nguồn gốc đất là đất công.
“Có đất mà không thể làm dự án đưa ra thị trường, nhân sự thì ngồi chơi vẫn phải trả lương, lãi ngân hàng càng lúc càng cao. Nếu kéo dài thêm nữa thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ phá sản là điều chắc chắn”, vị này nói.
Cũng theo vị này phân tích, vì số lượng lớn dự án bất động sản bị vướng thủ tục nhưng không được xem xét và giải quyết kịp thời, làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, về lâu dài còn ảnh hưởng đến giá cả thị trường bất động sản TP và khu vực lân cận.
“Nếu dự án được gỡ vướng và hướng đến công khai gỡ vướng, chắc chắn người mua và chủ đầu tư sẽ tích cực quay lại, đặt niềm tin hơn vào thị trường. TP cần sớm thực hiện việc phân loại dự án bị vướng thủ tục pháp lý để đẩy nhanh kế hoạch "cởi trói", đưa các dự án đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính hay đủ pháp lý… vào triển khai, để góp phần tăng cung và lựa chọn cho người mua”, vị này nhấn mạnh.