Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Vì sao dồn tiền tỷ cho chống ngập càng ngập sâu hơn?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2008 - 2018, TP Hồ Chí Minh đã chi 22.948 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, dù rót hàng chục nghìn tỷ đồng thì việc chống ngập ở TP vẫn đang là vấn đề nan giải.

Năm sau ngập nhiều hơn năm trước!    
Công tác chống ngập tại TP Hồ Chí Minh những năm gần đây được đánh giá không khả quan. Thậm chí chỉ cần một cơn mưa không phải là lớn, ngay lập tức nhiều tuyến đường biến thành sông. Trong khi người dân khốn đốn thì các công trình chống ngập trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn chưa thật sự hiệu quả.
 Nhiều tuyến đường tại TP thành sông khi triều cường dâng cao, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân
Mới đây, tại hội thảo “Ngập úng đô thị - thực trạng và giải pháp”, Hội Nước và môi trường TP đã thông tin cho biết, từ năm 2008 - 2018, TP đã chi 22.948 tỷ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận định, ngập úng đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, ô nhiễm môi trường...
“Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện khá nhiều giải pháp để giảm thiểu ngập úng song hiệu quả không cao”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến thẳng thắng thừa nhận.
Cũng liên quan đến công tác chống ngập tại TP, theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay quy hoạch thoát nước đô thị mới chỉ thực hiện được 21 đồ án, hệ thống thoát nước chủ yếu là cống chung, tỉ lệ cống trên đầu người còn thấp so với thế giới, trung bình dưới 0,5m/người, trong khi thế giới 2m/người. Ngoài mưa và triều cường, nguyên ngân chính gây ngập là tình trạng đô thị hóa, năng lực đơn vị quản lý, vận hành còn thấp, ý thức của người dân (xả rác vào hệ thống cống), sụt lún nền xảy ra...
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và môi trường TP, kỹ sư Vũ Hải đánh giá, tình trạng ngập tại một số nơi trên địa bàn TP có giảm nhưng nhiều nơi ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí năm sau lại ngập hơn năm trước, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới...
“Sỡ dĩ ngập tại TP kéo dài, tốn kém và chống ngập không đạt hiệu quả là do chưa nắm đúng nguyên nhân gây ngập, các giải pháp chống ngập mà TP đang thực hiện chưa phù hợp, có nhiều nhược điểm, giá thành quá cao, công tác điều hành quản lý hệ thống thoát nước đô thị TP chưa tốt...”, kỹ sư Vũ Hải phân tích.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận khi cho rằng, các quy hoạch chống ngập của TP được duyệt trước đây hiện nay đã lạc hậu; công tác dự báo đã không lường hết được diễn biến biến đổi khí hậu và những yếu tố bất định khác. Nhiều thách thức mới đặt ra như hiện tượng lún đất, mực nước dâng, nhiệt độ, vũ lượng thay đổi do biến đổi khí hậu,... đòi hỏi các quy hoạch trên phải được cập nhật, điều chỉnh gấp. Điều này cũng lý giải vì sao, UBND TP lại kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu, rà soát tổng thể lại các quy hoạch chống ngập và đề xuất giải pháp mới.
Cần bỏ chống ngập kiểu “bao cấp”
 Các chuyên gia cho rằng cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân cùng vào cuộc chống ngập cùng chính quyền TP
Theo ghi nhận, hiện nay nhiều dự án đang triển khai gặp vướng mắc về bố trí vốn chuyển đổi nguồn vốn cũng như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; hoặc vướng mắc trong xác định pháp lý đất đai, dẫn đến phải điều chỉnh phương án thiết kế.
Chưa kể, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập. Việc kết nối hệ thống thoát nước có những khu vực chưa đồng bộ nên hiệu quả thoát nước chưa cao.
Tình trạng ngập nước sâu và kéo dài trong những đợt triều cường vừa qua, khiến người dân ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP khốn khổ, dòng nước đen kịt len lỏi vào nhà gây xáo trộn đời sống sinh hoạt. Không chỉ khu vực vùng ven mà nhiều quận trung tâm cũng chịu chung số phận; có nơi nước gây vỡ bờ bao gây nhiều thiệt hại…
Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Trọng Văn, kỹ sư xây dựng tại TP cho biết, các giải pháp kỹ thuật thì không có gì mới, có điều là từ trước đến nay, TP vẫn làm lưng chừng không đi tới đâu, lúc nào cũng than thiếu này thiếu kia, cho nên đây mới là cái cần giải quyết chứ không phải là vấn đề kỹ thuật. Cái quan trọng nhất là xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc thì TP chưa làm được.
Cũng theo ông Văn, dẫu vẫn biết chuyện giải phóng mặt bằng lâu nay là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên có cảm giác là TP đang xem câu chuyện này như “phao cứu sinh” để lý giải cho thực tế là “không có kinh phí”. Vấn đề là TP lấy tiền ở đâu, cơ chế vốn ở đâu để xây dựng. Ngoài ra, cần phải tính nguồn vốn để duy trì, hoạt động, bảo quản sửa chữa… 
Theo ông Văn, đến nay khi tình trạng ngập ở TP đang ngày một diễn biến xấu, thì chính quyền TP vẫn chưa quyết tâm bởi các dịch vụ công ích như giao thông, giáo dục, y tế, điện, nước sạch… đã xóa bao cấp, nhưng mảng chống ngập lại vẫn vướng và đó là nhiệm vụ lớn nhất cần giải quyết.
“Không thể cứ mãi nói cho nhau nghe về chuyện kỹ thuật hay hiến kế, mà quan trọng nhất là phải ý thức đang vướng cơ chế. Một khi cơ chế giải quyết xong thì vốn sẽ có. Đó là điều tôi hơi khó hiểu bởi không quyết tâm chuyện này thì đừng có nghĩ chuyện chống ngập bởi chúng ta đang nghĩ đến một chuyện lâu dài…”, ông Văn phân tích.
Hà Lan đề xuất xây đê bao đa năng chống ngập cho TP Hồ Chí Minh
Trước thực trạng TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra ngập úng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ngày 29/10, Bí Thư Thành ủy TP, ông Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin tại Quốc hội về việc đề xuất giải pháp chống ngập đa chức năng cho TP.
Theo đó, phía Hà Lan đã đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chống ngập bền vững cho TP, trong đó, chú trọng giải pháp tài chính mới. Phía Hà Lan muốn đề xuất biện pháp chống ngập cho quận 2 và quận 9, gồm 2 loại giải pháp chính.
Thứ nhất, một số chỗ sông có nguy cơ ngập nhiều sẽ làm đê sông, mặt ngoài sẽ ngăn nước, mặt trong làm nhà giữ xe, khách sạn, dịch vụ… chính vì vậy sẽ có tư nhân bỏ tiền xây đê để làm nơi kinh doanh. Cũng như có chỗ để diễn ra các hoạt động vui chơi giải trí.
Giải pháp thứ hai là ở một số vùng ít ngập hơn tại quận 9, phía Hà Lan đề xuất giữ lại khoảng 200ha làm vùng ngập tự nhiên, không bê tông hoá. Đê cũng được xây dựng, nhưng chủ yếu để ngăn nước sông lên, còn nước mưa thì thoát vào vùng sinh thái này, tạo không gian cho nước. 200ha này trở thành vùng du lịch sinh thái, sân golf và làm nơi thoát nước tự nhiên. Như thế, sẽ đạt được nhiều mục đích: Chống được ngập, không tốn nhiều tiền ngân sách...