Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, Kế hoạch số 3333/KH-UBND của Ban Thường vụ Thành ủy, liên quan đến việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Cụ thể, tổng số công trình vi phạm sau khi ban hành Chỉ thị số 23 là 1.462 công trình, bình quân 3,2 vụ/ngày, giảm 5,3 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 63,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23 là 8,5 vụ/ngày.
Đáng chú ý, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 15/12/2020, tổng số công trình vi phạm là 781 công trình, bình quân 2,2 vụ/ngày, giảm 6,3 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 74%.
Tuy nhiên, để tiếp tục kéo giảm số vụ vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 3333/KH-UBND của UBND TP.
Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP và kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện đã ký kết; tiếp tục triển khai việc gắn mã “QR code” vào chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng do Sở Xây dựng cấp.
Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin liên quan dự án nhà ở thương mại và dự án nhà ở xã hội, cập nhật giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trên App mobile SXD247 ngay khi phát hành.
Sở Xây dựng sẽ tham mưu trình UBND TP Quy chế phối hợp liên thông trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch - kiến trúc, đất đai, cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn TP. Tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý Quy hoạch - Tài nguyên - Xây dựng dùng chung cho toàn TP sau khi triển khai thí điểm tại khu vực 930ha của TP…
Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND, tiếp tục kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng, xử lý các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng, đất đai còn tồn đọng.
Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, tổ chức lại các lực lượng tham gia công tác quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo mọi công trình xây dựng trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đối với mọi hành vi vi phạm hành chính, cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh nhằm hạn chế tối việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.