Theo Sở TN&MT, vừa qua các phương tiện truyền thông phản ánh việc thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC) trên địa bàn TP, và đặt vấn đề có phải việc thiếu nhà VSCC dẫn đến tình trạng tiểu bậy, phóng uế nơi công cộng? Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 255 nhà VSCC, tập trung nhiều ở quận 5 (có 38 nhà VSCC); khu vực quận 1 và quận 3 (có 10-18 nhà VSCC).
Về công tác xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng (VSNCC), trong đó có hành vi tiểu bậy và phóng uế. Theo thống kê, năm 2020 trên địa bàn TP xảy ra 20.302 trường hợp vi phạm VSNCC (nhắc nhở 6.733 trường hợp), xử phạt 13.569 trường hợp với số tiền 6,33 tỷ đồng. Năm 2021, tổng số vi phạm VSNCC là 6.051 trường hợp (nhắc nhở 2.667 trường hợp), xử phạt 3.384 trường hợp với số tiền 1,5 tỷ đồng. Năm 2022, xảy ra 3.257 trường hợp vi phạm VSNCC (nhắc nhở 531 trường hợp), xử phạt 2.726 trường hợp với số tiền 1,6 tỷ đồng. Cả 3 năm có 154 trường hợp vi phạm VSNCC được phát hiện qua camera giám sát và đã bị xử phạt.
Đối với vấn đề tiểu bậy, phóng uế nơi công cộng có phải do thiếu nhà VSCC hay không? Sở TN&TM TP Hồ Chí Minh cho rằng sẽ có những lúc người dân, khách vãng lai, khách du lịch đến TP gặp bất tiện khi tiếp cận, sử dụng nhà VSCC (do khoảng cách xa, tốn phí sử dụng hoặc có lúc nhà VSCC bị hỏng). Nhưng không thể cho rằng hành vi “tiểu tiện nơi công cộng là hệ lụy của việc thiếu nhà VSCC”, vì đây là hành vi của một số ít người thiếu ý thức. Bởi vì thời gian qua tại các nhà VSCC hoặc các nhà vệ sinh do cá nhân, tổ chức có hỗ trợ người dân, khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh (tại nhà, cơ sở kinh doanh…) có tình trạng người sử dụng trước không giữ vệ sinh, không khóa nước sau khi sử dụng, xả giấy vệ sinh xuống sàn nhà, dẫm chân lên bồn cầu, bỏ thức ăn thừa/giấy vệ sinh vào bồn cầu gây nghẹt, phá hoại các trang thiết bị vệ sinh hoặc sử dụng các chất kích thích, nôn mửa vào bồn rửa mặt…, gây ảnh hưởng đến người có nhu cầu sử dụng tiếp theo.
Để giải quyết tình trạng gây mất VSNCC, Sở TN&TM đưa ra giải pháp bên cạnh việc đầu tư, bổ sung nhà VSCC mới, cần tiếp tục vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở như: Cây xăng, trung tâm văn hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cơ sở ăn uống, bến xe…, hỗ trợ cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh trong các khu vực này. Có như vậy các hành vi vi phạm về VSNCC mới có thể giảm.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đã yêu cầu các đơn vị đang được giao quản lý, vận hành và khai thác nhà VSCC đã được đầu tư tại các bến xe, công viên và khu vực công cộng khác, khẩn trương cải tạo nâng cao chất lượng phục vụ tại các nhà VSCC hiện hữu đang quản lý. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần khẩn trương lựa chọn vị trí đặt các nhà VSCC di động trên địa bàn, vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh tại cơ sở và đồng ý cho khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng khi họ có nhu cầu.