Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Vinh (Nghệ An): Loay hoay “bài toán” giải tỏa lấn chiếm hành lang vỉa hè

Trần Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đảm bảo “đường thông, hè thoáng”, từ ngày 15/4, TP Vinh đã đồng loạt ra quân thực hiện việc tháo dỡ hành vi lấn chiếm hành lang vỉa hè.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng kể từ ngày đầu ra quân, tình trạng tái lấn chiếm hành lang vỉa hè vẫn còn diễn ra khiến “bài toán” về lập lại trật tự đô thị vẫn chưa thể đưa ra lời giải bền vững.
Quyết tâm giành lại vỉa hè

Từ tháng 3/2017, chiến dịch giành lại vỉa hè của TP đã bắt đầu khởi động ở khắp các phường, xã. Riêng trong năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm cưỡng chế giải tỏa vi phạm, đợt 1 từ ngày 5/5 đến hết ngày 20/7/2017 và đợt 2 từ 5/9 đến 30/11/2017. Công tác này đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ những ngày đầu ra quân.

Chưa giải phóng xong mặt bằng nên nhà vẫn vẫn “vô tư” lấn chiếm vỉa hè trên đường Phong Định Cảng.
Cũng từ tháng 3/2017, công tác tuyên truyền cho người dân TP Vinh tự giác tháo gỡ công trình vi phạm hành lang vỉa hè, ATGT trên các tuyến phố được triển khai thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Thành ủy Vinh cũng ban hành văn bản giao cho người đứng đầu các phường, xã phải quyết liệt thực hiện công tác giành lại vỉa hè cho người đi bộ “Thiết lập trật tự hành lang ATGT, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp”.

Qua báo cáo của UBND TP Vinh, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 300 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 305km. Diện tích vỉa hè và lề đường ở các tuyến đường gần 3,5 triệu m2, trong đó 90% tuyến đường thuộc vùng nội thị đã có vỉa hè lát gạch, với diện tích trên dưới 2 triệu m2. Trung bình, mỗi tuyến đường trong vùng nội thị thành phố có vỉa hè hơn 5m. Cá biệt, có những tuyến đường được TP Vinh quy hoạch vỉa hè rộng tới 30m như Đại lộ Lê Nin, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Trường Thi… Đây cũng là những tuyến đường “xương sống” của thành phố dễ trở thành những địa điểm kinh doanh của các hộ dân lấn chiếm vỉa hè từ hàng chục năm nay.

Trước tình hình đó, trong đợt ra quân lần này, TP Vinh sẽ tiến hành thực hiện “vừa ra quân, vừa chỉnh trang lại đô thị” bằng cách điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo giao thông, kẻ vẽ vạch trên vỉa hè xác định phần đường cho người đi bộ, phần để xe 2 bánh, kẻ vạch phân làn, vạch cho đậu xe tạm thời trong lòng đường.

Nếu hộ dân nào không chấp hành việc tự nguyện tự tháo gỡ biển hiệu, bậc tam cấp, công trình xây dựng lân chiếm…thì thành phố sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế, tháo gỡ. Ngoài ra, thành phố Vinh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành hạ bỏ những cây xanh lấn chiếm vỉa hè, xây dựng một số điểm đậu xe phân tán, lắp đặt camera giám sát tại một số tuyến phố “nhạy cảm” trong lòng đô thị để quản lý.

Chính vì vậy, sau hơn 1 tháng ra quân “Thiết lập trật tự hành lang ATGT, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp”, lực lượng chức năng của TP Vinh đã tiến hành thu giữ 1.630 biển quảng cáo, mái che, xử lý 445 điểm tập kết buôn bán vật liệu xây dựng, xử lý gần 3000 bậc tam cấp vi phạm vỉa hè, xóa bỏ 35 điểm rửa xe, 60 trường hợp trồng rau vi phạm. Đến thời điểm hiện nay, các lực lượng chức năng cũng đã lập 342 biên bản đối với các hộ dân, cửa hàng, doanh nghiệp có hành vi vi phạm hành lang ATGT các loại. Đặc biệt, việc triển khai công tác ký cam kết cho các tổ chức, cá nhân không có hành vi tái lấn chiếm vỉa hè cũng được thực hiện nghiêm túc.
Đừng để “bắt cóc bỏ đĩa”

Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An từ gần 10 năm nay nên TP Vinh lại càng phải quan tâm đến công tác xây dựng, kiến thiết cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng văn minh, hiện đại. Hơn nữa, để Vinh thực sự trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết 26 ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, cùng với việc xây dựng quy hoạch chung thì thành phố Vinh phải thực sự quyết liệt hơn nữa trong việc “Thiết lập trật tự hành lang ATGT, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp”.

Trong đó, công tác giải toả hành lang lấn chiếm vỉa hè có nhiệm vụ rất quan trọng. Thế nhưng, sau một thời gian “khởi động”, vỉa hè ở TP Vinh vẫn bị tái lấn chiếm trở lại, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, so với những ngày đầu ra quân đồng loạt, nghiêm túc thì đến thời điểm hiện nay công tác giải tỏa vỉa hè đô thị, trả lại hành lang cho người đi bộ đang có chiều hướng chững lại.

Quan sát của chúng tôi, tại một số tuyến đường nội thị của TP Vinh, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, đỗ xe… đang tiếp tục trở lại như trước kia. Tại các trục đường lớn như Đại lộ Lê Nin, Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Quang Trung, người dân vẫn vô tư lấn chiếm hành lang vỉa hè để kinh doanh. Đối với các công trình xây dựng, mặc dù TP đã có thông báo yêu cầu tháo dỡ các hạng mục thi công lấn chiếm vỉa hè nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, không chịu tháo dỡ.

Cá biệt, nhiều doanh nghiệp còn ngang nhiên xây dựng công trình, trồng cây xanh trái phép ngay cả trên vỉa hè ưu tiên cho người đi bộ. Tại một số tuyến đường, do chưa làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên người dân vẫn vô tư xây dựng nhà cửa, định cư trên cả phần đất hành lang ATGT khiến công tác cưỡng chế, giải toả vẫn còn gặp nhiều vướng mắc…

Ông Võ Viết Thanh, Bí thư Thành ủy Vinh cho biết: Để hướng tới xây dựng Vinh thành đô thị văn minh, hiện đại, TP đã đồng loạt ra quân triển khai “chiến dịch” giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc làm này không chỉ góp phần làm đường thông, hè thoáng mà còn làm thay đổi diện mạo của thành phố sau một thời gian dài vỉa hè bị lấn chiếm, thay đổi thói quen cố hữu này. Ban chỉ đạo của TP cũng sẽ quyết liệt với những hộ kinh doanh cố tình lấn chiếm hành lang vỉa hè, không “nương tay” với đối với người dân nào vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè có người “chống lưng” đằng sau, cản trở lực lượng thi hành công vụ. Để làm triệt để vấn đề này, thời gian tới, TP cũng sẽ có nhiều giải pháp khắc phục như xây dựng thêm bãi đậu xe, chợ dân sinh, lắp hơn 100 camera đặt tại các tuyến phố “nhạy cảm” để quản lý, theo dõi…

Như vậy, sau hơn một tháng đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè, TP Vinh đã có nhiều tín hiệu mới về diện mạo đô thị thông thoáng, văn minh. Tuy nhiên, để lộ trình này thực sự mang tính bền vững, tránh kiểu “bắt có bỏ đĩa” thì cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa. Chính vì vậy, để làm tốt việc “Thiết lập trật tự hành lang ATGT, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp” đối với TP Vinh hiện nay đang là “bài toán” khó khi lời giải vẫn chưa được thống nhất và mang tính bền vững.