70 năm giải phóng Thủ đô

TPP-11 ở APEC 2017: Từ bên bờ sụp đổ đến thành công phút chót

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là vấn đề được kỳ vọng hàng đầu trong kỳ APEC năm nay, Hiệp định TPP-11 trải qua quá trình đàm phán căng thẳng, từng bị đe dọa sụp đổ và đạt thỏa thuận vào phút chót.

Chiều 9/11, một thỏa thuận nguyên tắc về TPP-11 được nhiều Bộ trưởng công bố ngay sau

cuộc họp cấp cao nhưng đại diện Canada phủ nhận. Cuối giờ chiều 10/11, Thủ tướng New Zealand tiết lộ tại buổi họp báo, TPP bị hoãn vì Thủ tướng Canada không tham dự đàm phán. Cho tới sáng 11/11,  Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo, TPP11 đã đạt được thỏa thuận và được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
“Chặng đường khó khăn nhất đã qua”
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, TS Nicholas Chapman, Đại học Quốc tế Nhật Bản nhận định, việc đạt được TPP “phiên bản mới” là bước đột phá đối với các quốc gia thành viên hiệp định nói riêng và cộng đồng ủng hộ tự do hóa thương mại nói chung. Thành tựu này sẽ trở thành cánh tay đắc lực để họ có cơ sở chống lại chủ trương bảo hộ. Có thể nói, đây thành tựu mang tính đột phá trong kỳ APEC năm nay.
TPP-11 hay CPTPP đã bước đầu đạt thỏa thuận cơ bản trong khuôn khổ APEC 2017

Trong buổi họp báo ngày 11/11, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chia sẻ: “4 vòng đàm phán ở các địa điểm khác nhau phản ánh đầy đủ các khó khăn mà một hiệp định mới gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng, 4 vòng đàm phán giúp đưa 11 nền kinh tế đến được thỏa thuận cơ bản, quan trọng cốt lõi cho TPP-11 nhưng vẫn đảm bảo chât lượng của TPP 12 và đặc biệt là cân bằng cho 11 nền kinh tế. Về các nội dung tạm hoãn thì các trưởng đoàn sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể để có thể đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, đoạn đường khó khăn nhất đã qua, và chúng tôi tin tưởng vào tương lai đạt được TPP-11 hay CPTPP.”  
Thay đổi để đột phá
Về việc đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Toshimitsu Motegi thông tin, do TPP từ 12 thành viên còn 11 nên phải khác đi. "Chúng tôi thảo luận nhiều cái tên, nội dung không chỉ là thương mại mà còn là đầu tư. Đây là hiệp định toàn diện, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn. Về bản chất CPTPP là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định từng được ký kết".
 Động thái bất ngờ của phía Canada từng đe dọa tiến trình đàm phán TPP-11 trong kỳ APEC 2017

Để đạt được thỏa thuận này, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP. Theo Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản, việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai. Ngoài ra CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ sau khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn.
Theo TS Nicholas Chapman, Nhật Bản vẫn kỳ vọng Mỹ sẽ quay lại với TPP vào một thời điểm nào đó trong tương lai. TPP-11 hay CPTPP nếu thành công, có thể chứng minh với Mỹ những lợi ích của việc gia nhập hiệp định này cũng như theo đuổi tự do thương mại.  Và quan trọng nhất, để đảm bảo hiệp định này thành công trong các vòng tiếp theo, “các quốc gia thành viên TPP phiên bản mới cần phải chú ý để khi đàm phán sửa đổi, hiệp định phải đảm bảo đóng góp cho sự tăng trưởng sáng tạo, bền vững và toàn diện”.
Nguồn động lực từ Tokyo

Nhật Bản – trên cương vị đồng chủ tịch vòng đàm phán bộ trưởng với Việt Nam về TPP tại APEC 2017 đã  tiên phong đưa ra gói thỏa thuận cuối cùng để các bộ trưởng có thể bàn thảo thống nhất một thoả thuận nguyên tắc cho TPP-11 và cũng đã nỗ lực đến những phút chót để 11 nước đạt được đồng thuận cho CPTPP.
 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Motegi trong buổi họp báo sáng 11/11
TS Nicholas Chapman khẳng định Tokyo đã đóng vai trò quan trọng trong để cứu vãn cho một TPP không có Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đầu tư rất nhiều “nguồn vốn chính trị” để hỗ trợ cho TPP phiên bản gốc, bất chấp một số trở ngại trong trong ngành nông nghiệp nước này. Ông Abe đã nỗ lực hết sức để cứu vãn TPP trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút lui. Ông là nhà nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử hồi năm 2016.
Nhật Bản cũng là nước đầu tiên phê chuẩn thoả thuận này và thông báo cho New Zealand (nơi lưu chiểu hiệp định) phê chuẩn cùng ngày với lễ nhậm chức của ông Donald Trump.
“Sau sự hoài nghi ban đầu về một TPP không có hiện diện của Mỹ, Nhật Bản đã thực sự chủ động”, ông Chapman nói. Với vai trò hiện nay là nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định, Nhật Bản đã thể hiện một cách khéo léo thông qua việc ủng hộ thẳng thắn TPP-11, vận động các thành viên của hiệp định ban đầu và tổ chức các cuộc đàm phán. Điều này rõ ràng đã “kết trái ngọt” với để “cứu sống” TPP vào phút chót tại APEC 2017.