Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TPP - Phép thử mới cho doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ tháng 10/2010 đến nay, Việt Nam đã qua 17 vòng đàm phán về Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sau WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị đối diện với một phép thử mới: TPP. Tuy nhiên, không phải những gì mong đợi đều có thể xảy đến một cách trọn vẹn. Khác với thái độ “ưu ái" của cơ chế WTO cách đây 7 năm, nhiều rào cản đã được thiết lập đối với lộ trình tham gia vào TPP.

 
TPP - Phép thử mới cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 1

Tại phân xưởng may hàng xuất khẩu của Công ty CP May 10.Ảnh: Hùng Huy
 

Hứa hẹn nhiều lợi ích

TPP là một định chế thương mại đa phương giữa 12 nước gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản. Theo giới chuyên gia đánh giá, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương có phạm vi rộng nhất, bao trùm các nội dung truyền thống như thuế quan, dịch vụ tài chính, đầu tư và các vấn đề về môi trường, lao động, chống tham nhũng… Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỷ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỷ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP.

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và quan hệ chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất quốc tế, hiện đại hóa các lĩnh vực dịch vụ, tiếp cận thị trường tất cả các nước TPP, trong đó có các lĩnh vực quan trọng của Việt Nam như nuôi trồng thủy sản, dệt may, da giày, đồ nội thất, được giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ… Thực tế, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã là thành viên của TPP như Mỹ hoặc sắp tới là Nhật Bản.

 
TPP - Phép thử mới cho doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh 2
 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa.Ảnh:
Huy Hùng

 

Một đặc thù của TPP là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3 - 5 năm hoặc 10 năm. Hiện thời, xuất khẩu may mặc của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang phải chịu mức thuế từ 17,3 - 32%, nhưng mức thuế này sẽ được giảm xuống 0% nếu Việt Nam được chấp thuận vào TPP. Tương ứng, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 7% hiện nay lên 12 - 13%, thu về khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng cần nói thêm là trong vài năm suy thoái vừa qua, hầu hết các ngành dệt may, da giày và thủy sản thị trường xuất khẩu điều bị hạn chế đáng kể từ khối EU đến Mỹ. Vì thế, TPP là một triển vọng trước mắt để có thể gỡ bí cho các DN, giúp tiêu thụ hàng hóa suôn sẻ hơn.

Xuất xứ hàng hóa làrào cản lớn

Tuy có nhiều lợi thế, nhưng qua nhiều vòng đàm phán, một trong những rào cản được xem là khó khăn nhất đối với các DN Việt Nam chính là vấn đề xuất xứ của hàng hóa. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Giới chuyên gia trong nước nhận định đây là một bất lợi, vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Và nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rằng, hàng Việt Nam cũng có khả năng phải đối mặt với kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều hơn nếu tăng được kim ngạch xuất khẩu vào các nước TPP. Đặc biệt là Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, vì Mỹ và một số thành viên vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cũng không giống như các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển nên không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO...

Thực tế, sau 6 năm gia nhập WTO đã trở thành một bài học đắt giá cho các DN và cả các cơ quan quản lý kinh tế của Việt Nam. Năng lực điều hành còn khá yếu kém, công tác dự báo hoàn toàn chưa ngang tầm với một quốc gia tham gia vào các hiệp định thương mại đa phương, nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến quản trị vi mô tại các DN… đã khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước trong khu vực và trên thế giới không mấy khả quan. Có thể thấy, sau WTO, nền kinh tế Việt Nam đang chuẩn bị đối diện với một phép thử mới: TPP. Nhưng liệu các DN Việt Nam có rút ra được bài học gì sâu sắc để cải thiện tình thế hay không, vẫn còn đang... bỏ ngỏ.