TPP tiến gần tới vạch đích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng một tháng sau khi quan chức thương mại 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thỏa thuận cuối cùng, văn bản tiếng Anh của Hiệp định đã được công bố.

Đây là bước đi đầu tiên của các thành viên Hiệp định nhằm có được sự phê chuẩn của Chính phủ và Quốc hội để hiện thực hóa thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Tại hội nghị bàn về TPP từ 3 năm trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả mà TPP mang lại cho các nước thành viên.
Tại hội nghị bàn về TPP từ 3 năm trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự tin tưởng vào hiệu quả mà TPP mang lại cho các nước thành viên.
Theo văn bản được công bố, Hiệp định TPP gồm 30 chương và dài hơn 2.000 trang, gồm đầy đủ thông tin chi tiết về các cam kết và các điều khoản áp dụng với tất cả các nước thành viên. Với sự tham gia của 12 nền kinh tế chiếm 40% GDP của toàn cầu gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, TPP được xem là hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm qua và sẽ mang lại lợi ích lớn cho các nước thành viên.

Rau củ, thủy sản được hưởng lợi nhiều nhất

Theo văn bản của TPP, việc nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam có mức thuế bằng 0% sẽ mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN&PTNT cho rằng, khi gia nhập TPP, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản; mức độ trung bình đối với gạo, cà phê, cao su, gỗ, điều.

Tuy nhiên, dù được nhận định là thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức từ sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước. Các quy định khác của Hiệp định TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… rất chặt chẽ. Vì thế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các Bộ, ngành liên quan cần chung tay phối hợp thực hiện các cam kết một cách đồng bộ, đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có các đối tác trong TPP.

Nhật Bản và Mỹ là đối tác quan trọng của Hà Nội

Là Thủ đô của đất nước, Hà Nội cũng đứng trước những cơ hội và thách thức riêng khi TPP có hiệu lực. Với những lợi thế về chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng, Hà Nội có cơ hội thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp may mặc, chế biến… Với tỷ trọng chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu vốn FDI của Hà Nội, TPP là cơ hội lớn cho bất động sản “đón sóng” đầu tư của một loạt DN nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi không chỉ TPP mà một loạt hiệp định thương mại khác hoàn thành. Trước những cơ hội và thách thức đó, Hà Nội dự kiến sẽ đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với các nước thành viên trong TPP, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung quảng bá thương hiệu các sản phẩm thế mạnh của Hà Nội, đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.

Từ 16/11, Quốc hội Mỹ điều trần về TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5/11 đã thông báo với Quốc hội về ý định sẽ ký kết Hiệp định này. Theo Luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA), sau 90 ngày xem xét, Quốc hội chỉ có quyền bỏ phiếu phê chuẩn hoặc bác bỏ Hiệp định chứ không có quyền điều chỉnh hay sửa đổi nội dung của TPP. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi nhiều nghị sĩ tỏ ra nghi ngại TPP có đáp ứng được các mục tiêu mà TPA yêu cầu và các đối tác thương mại của Mỹ có thể đáp ứng được tiêu chuẩn rất cao của Hiệp định này.

Hiện chưa rõ, TPP có được Quốc hội Mỹ thông qua hay không, nhưng việc nhóm các nghị sĩ Dân chủ sẽ tiến hành các cuộc điều trần về TPP từ ngày 16/11 tới chắc chắn là một bước tiến giúp Hiệp định lịch sử này gần với đích cuối cùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần