Trả giá đắt vì chủ quan

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình tai nạn giao thông trong tháng 7/2020 đang tiếp tục có những diễn biến vô cùng phức tạp.

Hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trong đó, nghiêm trọng nhất chính là vụ xe khách chở đoàn cựu học sinh đi tham quan bị lật ngay trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình).
Đã có tới 15 người tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc này và hơn 20 người khác bị thương đang từng giờ từng phút phải đấu tranh với tử thần để giành giật sự sống. Lẽ tất nhiên, sau bất kỳ vụ tai nạn giao thông (TNGT) nào, sau con số thương vong thì nguyên nhân vụ gây ra vụ tai nạn là điều được dư luận quan tâm nhất.
 Vụ lật xe vừa xảy ra tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Internet
Với vụ lật xe vừa xảy ra tại tỉnh Bình Thuận, một phần nguyên nhân đã được hé lộ khi kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, tài xế điều khiển chiếc xe gặp nạn chưa có bằng lái theo đúng quy định và có nồng độ cồn trong hơi thở. Với vụ lật xe tại Quảng Bình, dù trực quan về hiện trường vụ tai nạn không thảm khốc bằng một số vụ tai nạn khác, song hậu quả lại vô cùng khủng khiếp, số lượng người thương vong quá lớn.
Trong quá trình đi tìm lời giải cho thắc mắc này, đã có giả thuyết cho rằng, vào thời điểm xảy ra tai nạn, nhiều nạn nhân không thắt dây an toàn, thậm chí là rời khỏi chỗ ngồi để nhảy múa, hát ca trên xe. Đây là điều không quá xa lạ trên những chuyến xe chở khách di du lịch, tham quan mà phần lớn họ có mối quan hệ quen biết, thân thuộc với nhau. Đây đương nhiên chỉ là giả thuyết nhưng không phải là không có cơ sở.
Và cũng chỉ có trường hợp hành khách trên xe không bảo đảm vị trí ngồi một cách an toàn thì khi xe xảy ra va đập mạnh, hậu quả mới lớn như thế. Nên nhớ, từ trước đến nay, không ít vụ tai nạn do xe khách bị lật hoặc đâm vào vách núi đã xảy ra nhưng hiếm có trường hợp nào lại khiến nhiều người tử vong đến vậy.
Sẽ cần có thời gian để kiểm chứng giả thuyết trên có đúng hay không, song không thể phủ nhận, vụ tai nạn thảm khốc này chính là một tiếng chuông báo động về một vấn đề mà lâu nay chúng ta vẫn thường không chú ý hoặc bị lãng quên. Đó chính là câu chuyện cài dây an toàn khi ngồi trên xe khách. Còn nhớ, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg trong đó yêu cầu Bộ GTVT thêm quy định bắt buộc phải lắp đặt đai an toàn ở tất cả ghế ngồi với ô tô chở người, có khung thời gian áp dụng với phương tiện đang lưu hành.
Chỉ thị của Thủ tướng ra đời vào thời điểm hàng loạt các vụ TNGT đường bộ nối tiếp nhau xảy ra làm tổn thất nghiêm trọng tới người và tài sản, tác động xấu tới trật tự, an toàn trong cộng đồng. Mới nhất, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020 không chỉ quy định xử phạt đối với tài xế không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường mà còn xử phạt tài xế trong trường hợp: Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Thực tế, hầu hết những phương tiện ô tô chở người được sản xuất những năm gần đây đều được trang bị khá đầy đủ dây an toàn cho tất cả các ghế ngồi, giường nằm. Chỉ có điều, thói quen cài dây an toàn khi ngồi trên ô tô của phần lớn hành khách đi xe hiện nay vẫn còn là xa xỉ bởi sự chủ quan, thiếu hiểu biêt. Và sự chủ quan đó hoàn toàn có thể phải trả bằng một cái giá quá đắt nếu như tai nạn giao thông không may xảy ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần