Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại các khoảng trống thoát nước trong đô thị

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 5 đến nay, liên tiếp trận mưa lớn trút xuống khiến nhiều tuyến đường, phố Hà Nội bị chìm trong biển nước. Câu chuyện đã rất cũ “cứ mưa là ngập” lại một lần nữa được xới xáo chỉ ra nguyên nhân cũng như khuyến nghị giải pháp từ các chuyên gia.

Không phải cứ mưa ngập là… tại trời

Sau những trận mưa lớn mới đây, Hà Nội tiếp tục bị ngập úng ở nhiều tuyến phố khi nước không tiêu thoát kịp. Như thường lệ, nhiều đoạn trên Đại lộ Thăng Long và khu vực phía Tây TP Hà Nội lại ngập sâu và lâu thoát sau mưa, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia giao thông của người dân.

Bên cạnh nguyên nhân được cho là lượng mưa lớn bất thường, dồn dập trong thời gian ngắn dẫn đến vượt quá khả năng của hệ thống tiêu thoát, nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn còn do các nguyên nhân chủ quan.

KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) phân tích, từ đầu những năm 2000, hàng loạt khu đô thị mới bám theo hai bên Đại lộ Thăng Long được xây dựng trên nền ruộng trũng vốn là hành lang thoát lũ quy hoạch từ thời Pháp hay là Vành đai xanh trong bản đồ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030.

Các khu đô thị ven đường san lấp tùy tiện không theo cos nền chuẩn, khu sau cao hơn khu trước, từ đó, mặt đường trở thành nơi thấp nhất nên cứ mưa to phố biến thành sông là chuyện dễ hiểu.

Nhiều khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long ngập sâu trong nước khi mưa lớn. Ảnh: Công Trình.
Nhiều khu vực đường gom Đại lộ Thăng Long ngập sâu trong nước khi mưa lớn. Ảnh: Công Trình.

Cùng nói về nguyên nhân gây úng ngập, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cảnh báo, trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập khi công trình hạ tầng (đặc biệt là thoát nước) không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Cos san nền tại các khu đô thị mới (đại lượng cơ bản trong thiết kế tiêu thoát nước) không được tuân thủ theo quy hoạch khi triển khai xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí, nhiều khu hồ còn bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng dẫn đến cos nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún đất. Việc thay đổi cos đường sau mỗi lần cải tạo, sửa chữa sẽ làm thay đổi tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó.

Ngoài ra, không kiểm soát được việc xả rác thái, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ, kênh mương,... là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước.

Đáng lưu ý, việc không đồng bộ giữa quản lý hệ thống thoát nước đô thị với hệ thống thủy nông cũng là nguyên nhân gây ra ngập úng tại đô thị hiện nay.

“Hệ thống thoát nước đô thị luôn gắn liền hệ thống thủy lợi vùng, tuy nhiên tại Hà Nội vẫn còn có sự phối hợp không đồng bộ hoặc không kịp thời giữa hệ thống thoát nước nội thành với các công trình tưới tiêu ngoại thành” - GS.TS Trần Đức Hạ nhấn mạnh.

Quy hoạch nơi chứa, tích nước, thoát nước

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Hà Nội chắc chắn sẽ còn phải chịu những cơn mưa lớn và tình trạng ngập sâu, ngập lâu sẽ có tần suất dày hơn.

Do đó, để người dân không phải chịu cảnh cứ mưa là ngập, những giải pháp tức thời cũng như chiến lược dài hơi được các chuyên gia đề xuất đối với TP Hà Nội.

Theo KTS Trần Huy Ánh, với tần suất mưa như hiện nay, thay vì sử dụng hệ thống thoát nước chảy tự nhiên từ Tây sang Đông, Bắc xuống Nam theo dòng chảy trôi xuống Yên Sở, Yên Xá, sau đó bơm ra sông Hồng nên sử dụng giải pháp khu trú nước trong từng vùng để thoát nước.

Có những nơi thoát nước tự nhiên, có những nơi thoát nước bắc cầu khi nước không thể tự chảy ra sông thì phải có cách để dẫn nước ra sông bằng bơm cưỡng bức.

Vì vậy, cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước cưỡng bức ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… Ngoài ra, cần quy hoạch nhiều điểm giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như các ắc-quy nước, tức là trữ nước lại khi mưa to và sau này sử dụng chính những ắc quy nước đó để bơm tưới cây, rửa đường…

Cùng quan điểm về tầm quan trọng của các khu vực tiêu thoát nước khi mưa, GS.TS Trần Đức Hạ cho rằng, hồ đô thị đóng vai trò rất lớn trong điều tiết nước mưa của hệ thống thoát nước TP.

Hiện nay, trên toàn địa bàn Hà Nội có khoảng 2.625 hồ tự nhiên và nhân tạo, trong đó, 12 quận nội thành có 122 hồ và 2.503 hồ phân bố tại 18 huyện và thị xã Sơn Tây.

Do đó, rất cần xây dựng các quy định quản lý hồ hiện có, tối ưu hóa, đồng bộ giữa chức năng điều hòa thoát nước với các chức năng về sinh thái, cảnh quan và chức năng khác.

Đồng thời, xác định vị trí, quy mô hồ hợp lý đảm bảo tối đa hiệu quả điều tiết nước mưa theo điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật và môi trường phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.

“Chúng ta phát triển đô thị trong khi hạ tầng thoát nước không theo kịp. Vì vậy, để giải quyết úng ngập đô thị trên nguyên tắc thoát nước bền vững bên cạnh bảo tồn các hồ hiện có chính là xây dựng hồ, bể chứa nước trong công viên, sân chơi… Các công trình này tạo điều kiện thoát chậm, tránh lượng nước mưa tập trung lớn trong thời gian ngắn, đồng thời, sử dụng triệt để khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hoà cảnh quan thiên nhiên” - GS.TS Trần Đức Hạ nêu.

Ở tầm nhìn xa hơn, KTS Trần Huy Ánh đề xuất, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.

Có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên hiệu quả trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, nhất là các hiện tượng biến đổi khí hậu bao giờ cũng đi kèm nhau, có úng ngập sẽ có khô hạn…

Hà Nội đang rà soát lại để tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là cơ hội để TP nghiên cứu lại tổng thể hệ thống quy hoạch thoát nước với cái nhìn và tư duy “thuận thiên” hơn.

Đặc biệt, cần quan tâm hơn tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, không gian lớn như: lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững.

 

Để giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội thành và một số khu vực cố hữu khi mưa lớn, tại hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài như đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; hầm chứa nước tại khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng… Trước mắt, nghiên cứu xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom Đại lộ Thăng Long và giải pháp giải quyết các điểm trũng cục bộ tại hầm chui dân sinh. Cùng đó kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực Ngã 5 Bát Đàn - Đường Thành, như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến, bên trong trường THCS Lý Thường Kiệt.