Mùa mưa đến sớm, Hà Nội chủ động ứng phó nguy cơ úng ngập
Trong những năm gần đây, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, các trận mưa lớn cục bộ xuất hiện ngày một thường xuyên và bất ngờ hơn. Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sẽ tập trung vào tháng 7, 8/2022. Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội).
Dự báo chi tiết trong các tháng 3, 4/2022, tổng lượng mưa trên toàn khu vực phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên sang tháng 5/2022, tổng lượng mưa sẽ tăng cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%. Bước sang các tháng 6, 7, 8/2022, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho thấy, trong năm 2021, tình trạng ngập úng khiến một số diện tích cây trồng, nhất là trong vụ Mùa bị thiệt hại về năng suất. Dù tổn thất về kinh tế không quá lớn, tuy nhiên diễn biến thiên tai được đánh giá tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động ứng phó với úng ngập, trên cơ sở chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, 4 doanh nghiệp thủy lợi của TP và UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống các công trình thủy lợi, nhất là hệ thống tiêu thoát nước mưa. Quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa các công trình phục vụ chống úng ngập.
“Hiện nay công ty đang tổ chức nạo vét kênh tiêu, vận hành thử trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị xả lũ của các hồ chứa nước. Bổ sung trang thiết bị, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão để huy động kịp thời xử lý sự cố, bảo đảm 100% công trình an toàn, vận hành tốt…” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường thông tin.
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, bên cạnh giải pháp công trình, Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi và UBND quận, huyện, thị xã xây dựng phương án phòng, chống úng ngập cụ thể ứng với tình hình địa phương. Phương án phải đưa ra nhiều tình huống sát thực tế, dễ thực hiện, kịp thời ứng phó với những hình thái thời tiết bất thường, đặc biệt là các đợt mưa to đến rất to cục bộ trong thời gian ngắn.
Bên cạnh phương án phòng, chống úng ngập, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, xây dựng phương án bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 41 Luật Thủy lợi; phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước và ứng phó với thiên tai, tình huống khẩn cấp quy định tại Nghị định số 114/NĐ-CP của Chính phủ. Tinh thần chung là ứng phó chủ động nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do úng ngập có thể gây ra.

Hà Nội huy động hơn 1.760 tỷ đồng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp
Kinhtedothi - Dự kiến đến năm 2025, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất cây trồng chủ lực của Hà Nội đạt từ 15 - 98%. Các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với những vùng nguyên liệu tập trung.

Hà Nội phát triển kinh tế tập thể: Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt
Kinhtedothi - Nhanh nhạy đổi mới phương thức tổ chức sản xuất gắn với thị trường, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với sự dẫn dắt của các DN, hợp tác xã. Đây được coi là giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả của Hà Nội trong giai đoạn mới.