Quản Bạ là huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn so với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, với tổng diện tích rừng trên 26.000 ha, trong đó có hơn 22.000 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn. Tại đây có nhiều hộ gia đình sinh sống lâu đời trong vùng lõi rừng đặc dụng.
Từ khi giao cho cộng đồng thôn bản quản lý rừng đầu nguồn, mọi người dân đều ý thức giữ rừng và có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Hiện nay, tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trực tiếp cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng và giao cho địa phương để sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thôn bản.
Ông Đặng Thanh Thắng và ông Chảo Thìn Mìn, ở thôn Bình Dương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, cho biết: “Trong mấy năm nay, thôn Bình Dương không xảy ra chặt phá rừng, bà con thực hiện rất là tốt... Rừng phòng hộ là tuyệt đối không có chặt, phải bảo vệ rừng chứ”.
“Riêng của mình được giao mười mấy héc ta. Giờ cũng chỉ vào rừng lấy cành củi thôi... còn rừng phải bảo vệ”.
Thời gian qua, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã khuyến khích, thu hút bà con nhân dân tại huyện Quản Bạ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Từng bước góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả. Xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ xây dựng thành công nông thôn mới từ năm 2018. Nhiều công trình, cơ sở hạ tầng ở các thôn bản được xây dựng khang trang từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, cho biết: "Đối với tổ tuần tra rừng ở các thôn cũng luân phiên kiểm tra hàng tuần, mỗi thôn có từ 1 đến 2 tổ. Để hỗ trợ cho tuần tra bảo vệ rừng, các thôn cũng trích quỹ cho tổ tuần tra. Thực ra kinh phí không nhiều chỉ hỗ trợ anh em đi tuần mỗi buổi 50.000 đồng”.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Quản Bạ, trong năm 2022 đã tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng tới hơn 12.000 lượt bà con trên địa bàn các xã, thị trấn, ký cam kết bảo vệ rừng được 105 thôn và gần 10.000 hộ gia đình. Hưởng ứng lễ phát động Tết trồng cây và thực hiện “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, huyện Quản Bạ hỗ trợ cho các xã, thị trấn 88.000 cây giống lâm nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ lợn giống, vịt bầu cho các hộ chuyển đổi trồng cây thảo quả già không còn khả năng cho thu hoạch sang trồng rừng.
Để bảo tồn loài Voọc Mũi Hếch, Hạt Kiểm lâm huyện Quản Bạ lắp đặt hệ thống bẫy ảnh và thu âm thanh để theo dõi điều tra. Phối hợp với các lực lượng biên phòng, công an và các xã Tả Ván, Cao Mã Pờ, Tùng Vài tổ chức tuần tra phá dỡ hàng trăm bẫy thú các loại. Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quản Bạ, chia sẻ: “Hiện mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách 2 xã, địa bàn rất là lớn chỉ có một kiểm lâm địa bàn nên các đồng chí phải làm rất tích cực. Một người quản lý địa bàn như vậy là hơi quá tải”.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách, chương trình cụ thể nhằm phục hồi và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Qua đó góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chấm dứt tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ của rừng không ngừng được tăng lên từ 39,9% năm 2000, đến cuối năm 2022 là 58,5%.
Ông Đào Duy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang, cho biết: “Ý thức của người dân Hà Giang đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn chấp hành tốt nhất về bảo vệ rừng. Trước khi đem lại giá trị cho cộng đồng thì chính người dân ở đó đã được hưởng lợi. Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ là những huyện được hưởng tiền dịch vụ môi trường lớn nên đã cải thiện cơ bản đời sống của bà con và hạ tầng các thôn bản. Bà con không phải đóng góp gì nhưng vẫn có đường bê tông trụ sở thôn khang trang”.
Tuyên truyền tốt, chính sách tốt, cùng với chương trình cụ thể đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng ở tỉnh Hà Giang.