Trả lại những đam mê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đọc tập thơ “Trả lại những đam mê” của Phạm Thị Diệu Thu do Nhà xuất bản Văn học mới ấn hành, có cảm giác lòng mình dịu lại bởi sự ngọt ngào mà người phụ nữ dành cho tình yêu.

40 bài với đủ đầy các cung bậc cảm xúc đưa đến cho người đọc một cách cảm, cách nhìn và cách “giải mã” tình yêu rất… nữ tính.
Trả lại những đam mê - Ảnh 1
Ở đó có những giận dỗi, nhưng không hờn ghen; có những khổ đau, cay đắng nhưng không oán hận; có những bội bạc nhưng luôn liền kề bên cạnh những thương nhớ, thứ tha, oán trách riêng mình. Tình yêu dù không đi đến tận cùng hạnh phúc, dù yêu thương “giữa đường đứt gánh”, song như tác giả viết “Hương xưa ơi! Dấu tình còn nơi đó/ Giữ lại một đời, có lẽ… vẫn chưa quên” hay “… Đừng sợ em buồn, đừng sợ khóe mắt cay/ Em chỉ cần được thấy anh hạnh phúc/ Hứa với anh em sẽ không bật khóc/ Dẫu suốt đời này em mãi mãi yêu anh”. Nhẹ nhàng thế thôi, nhưng lại là một sự cuồng nhiệt, dữ dội: Dám sống và yêu đến tận cùng trái tim.

Tác giả không lấy chữ nghĩa để “đánh đố” người đọc, nhưng sự chân thành thì không thể chối cãi. Hẳn là nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi biết tác giả “Trả lại những đam mê” sinh năm 1976, cũng đã đi qua những thăng trầm cuộc sống, lo toan đời thường… Song những ai biết tác giả thì hiểu, ấy không phải là một sự cố tình hay “tạo dựng phong cách”. Như người ta vẫn nói văn là người, người sao thơ vậy, Diệu Thu là thế, chân thành và nồng hậu. Có thể thấy trong những vần thơ có bóng dáng của chị, bóng dáng cuộc sống chị đang ôm trong tay và bóng dáng của trái tim yêu chưa khi nào thôi thổn thức trong chị.

Yêu thương, say đắm, hờn giận, chia tay… kết trong những bài thơ 5 chữ giống như điệp khúc của một bản nhạc tình đắm đuối, dồn dập và không tuổi. Đúng là vần điệu của “Trả lại những đam mê” mang đến cho người ta cảm nhận: “Rót vào ký ức/ Cuộc tình trong veo”, để rồi âm ỉ nhớ và tiếp tục đam mê. Trong trẻo, hiền dịu song cũng cháy bỏng đam mê – tập thơ này quả thật sẽ là một món quà đẹp, tinh tế và ý nghĩa cho những đôi lứa đang yêu…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần