Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lại tên cho bức ảnh từng gây tranh cãi về cuộc thảm sát Sơn Mỹ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Bức ảnh “Anh che đạn cho em" được sửa thành tên: "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái" để đúng với sự thật lịch sử.

Chiều 15/3, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo, cung cấp nội dung thỏa thuận  giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle về vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thông tin về nội dung thỏa thuận.
Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng thông tin về nội dung thỏa thuận.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, cuộc họp được tổ chức trên cơ sở kết quả buổi gặp gỡ vào chiều 8/3 giữa lãnh đạo tỉnh, ông Ronald L. Haeberle- tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Tại đây, các bên đã ký biên bản đồng ý tặng bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ và thống nhất nội dung chú thích các bức ảnh được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi).

Đồng thời, tác giả cũng thống nhất đặt lại tên bức ảnh "Anh che đạn cho em" thành tên: "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái" cho đúng với sự thật lịch sử.

Bức ảnh từng gây tranh cãi đã được thống nhất tên gọi.
Bức ảnh từng gây tranh cãi đã được thống nhất tên gọi.

Từ thời điểm bản thỏa thuận được ký kết, các bên khu chứng tích không được sửa đổi, tạo ra các công trình/ tác phẩm mới dựa trên, tạo thêm, bán hoặc phân phối bản sao các bức ảnh màu của Haeberle ngoài bản sao đã được làm để phục vụ mục đích trưng bày công cộng được cho phép.

“Việc ký kết thỏa thuận về giấy phép sử dụng ảnh của ông Ronald L. Haeberle là sự thành công của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi, giải quyết vấn đề về bản quyền tác giả bức ảnh mà từ khi các bức ảnh này được trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ từ năm 1978 đến nay, làm cơ sở trưng bày lâu dài bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, phục vụ Nhân dân, du khách và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ mai sau”- ông Dũng nói.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với tác giả, Ban Quản lý Khu Chứng tích đã hoàn tất việc trưng bày bộ ảnh để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968 - 16/3/2023). Đồng thời chỉnh sửa bức ảnh "Anh che đạn cho em" thành "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái".

Bộ ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được treo lại ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ.
Bộ ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được treo lại ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ.

Trước đó, ông Trần Văn Đức (62 tuổi, Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức) từng làm "dậy sóng" dư luận khi tuyên bố ông là nhân vật trong bức ảnh "Anh che đạn cho em".

Bức ảnh này là một trong số 60 tấm ảnh mà cựu phóng viên Mỹ Ronald Haeberle chụp trong vụ thảm sát Sơn Mỹ trưng bày tại Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Còn bà Trần Thị Hà (56 tuổi, em gái ông Đức) đang sống ở xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi.

Tại khu chứng tích Sơn Mỹ, bức ảnh trên được chú thích là “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm”. Suốt nhiều năm qua, ông Đức miệt mài soạn thảo, gửi đi hàng chục gói hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng Việt Nam để chứng minh rằng hai đứa trẻ trong bức ảnh "Anh che đạn cho em" là ông và em gái là Trần Thị Hà.

 

Ngày 16/3/1968 tại thôn Mỹ Lai, xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát 504 thường dân vô tội, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ông Ronald L. Haeberle là người chụp lại bộ ảnh về vụ thảm sát gồm 40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu.

Tháng 9/2011, sau thời gian dài tìm thông tin, ông Đức đã quyết định bay sang Mỹ tìm gặp ông Ronald L. Haeberle- tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ, hy vọng tìm được manh mối sự thật cho bức ảnh.

Tháng 10/2011, Ronald đồng ý cùng ông Đức trở lại Việt Nam cung cấp thêm thông tin, trả lại tên đúng với bức ảnh gây tranh cãi này.

Trước những rắc rối trên, ông Ronald L. Haeberle yêu cầu gỡ toàn bộ ảnh của ông ra khỏi Khu Chứng tích Sơn Mỹ trước khi có sự thỏa thuận giữa tác giả ảnh và cơ quan chủ quản của Khu Chứng tích.