Trả nợ đất dịch vụ: Bài toán khó giải

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm qua, hàng vạn hộ dân trên địa bàn Hà Nội đỏ mắt chờ đất dịch vụ. Nhiều dự án tới hạn trả nợ đất dịch vụ, vẫn chưa biết lấy đất ở đâu. Không ít trường hợp đã mua đi bán lại nhiều lần mà vẫn chưa biết đất dịch vụ nằm ở chỗ nào.

100.000 tỷ đồng cho hạ tầng

Nhiều người dân ở huyện Hoài Đức cho biết, tuy có quyết định phân đất dịch vụ hơn 3 năm nay, nhưng chưa biết bao giờ họ mới được xây dựng, làm nhà trên mảnh đất ấy. Nơi quy hoạch đất dịch vụ để hoang hóa, cỏ mọc um tùm, hạ tầng ngổn ngang. Đó cũng chính là nỗi niềm của hàng vạn dân ở các quận, huyện được phân đất dịch vụ trên địa bàn Hà Nội.

Theo thống kê, Hà Nội có hơn 62.000 hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ, tương đương gần 1.000ha đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Nhưng đến nay, toàn TP mới chỉ bàn giao được 7,58ha đất cho 1.545 hộ gia đình, đạt chưa đến… 1% tổng diện tích đất phải trả.

Lãnh đạo các quận, huyện thừa nhận rất "đau đầu" mỗi khi phải tiếp xúc với dân về GPMB. Câu đầu tiên mà người dân hỏi là bao giờ chính quyền trả đất dịch vụ cho dân. Đây là nợ quá hạn nên các quận, huyện rất khó nói với dân. 

Theo UBND TP, kết quả giao đất dịch vụ đến nay trên địa bàn đạt quá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và chỉ đạo của TP. "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ. Trong đó, có việc các khu đất đề xuất xây dựng hạ tầng để giao đất dịch vụ cho các hộ dân phải đợi Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được phê duyệt. Một số khu phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy hoạch. Thậm chí, có khu vực vẫn chưa xác định rõ về quy hoạch sử dụng đất vì phải đợi quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết" - Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh nói.

Tuy nhiên, nguồn lực để giải quyết đất dịch vụ không đơn giản. Ước tính, kinh phí đầu tư hạ tầng các khu đất dịch vụ trên toàn TP lên tới 100.000 tỷ đồng. Đó là một số tiền rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của các địa phương trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Giữa năm 2013 sẽ trả hết nợ

Khẳng định TP không thể đưa ra một lúc số kinh phí lớn như vậy, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của TP là tập trung giải quyết dứt điểm, dành quỹ đất để trả hết cho dân. TP cam kết trả đầy đủ cho dân theo đúng các quy định của luật. Trong 6 tháng đầu năm 2012, các quận, huyện phải hoàn thiện xong việc cân đối quỹ đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất để giao cho dân. Việc giao đất cho dân phải xong trước tháng 6/2013. Ngoài ra, TP sẽ huy động vốn cả từ ngân sách và người dân để làm hạ tầng. Trước mắt, tập trung vào làm hệ thống giao thông cho các khu đất. Các sở, ngành, quận, huyện phải ưu tiên dành quỹ đất để giao đất dịch vụ cho các hộ dân. TP cho phép sử dụng quỹ đất 20% thấp tầng tại các khu đô thị mới, khu tái định cư (sau khi đã cân đối đủ cho nhu cầu tái định cư trên địa bàn) để giao đất dịch vụ. Với các dự án đã xây dựng xong hạ tầng, TP yêu cầu phải khẩn trương công khai danh sách, giải quyết các vướng mắc để tổ chức giao đất cho các hộ dân.

TP thể hiện quyết tâm trong việc trả nợ đất dịch vụ, thế nhưng, các quận, huyện lại lo khó. Theo đại diện các quận, huyện, phương án huy động vốn của người dân để làm hạ tầng khó khả thi, vì người dân không có khả năng tài chính. Việc sử dụng quỹ đất tái định cư, đất 20% thấp tầng tại các khu đô thị mới để chuyển thành đất dịch vụ cũng khó, bởi qua triển khai công tác GPMB, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất bố trí tái định cư.

Về hành vi mua đi bán lại, chuyển nhượng đất dịch vụ phổ biến tại các quận, huyện thời gian qua, liệu có được pháp luật công nhận? Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, TP không công nhận những giao dịch mua bán giữa các cá nhân đã có trước đây. Những đối tượng đã nhận chuyển nhượng đất dịch vụ từ nông dân phải chờ tới khi người dân lấy đất rồi mới được phép làm thủ tục sang nhượng. Các trường hợp chuyển từ đất dịch vụ sang đất ở theo quy hoạch phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất.

Đất dịch vụ là diện tích đất mà người bị thu hồi đất được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi, tuỳ theo quy định của từng địa phương. Đất dịch vụ có vị trí nằm sát cạnh hoặc bên trong thuộc khu đô thị, thuận lợi để buôn bán kinh doanh để tạo thu nhập; Được cấp lâu dài, được cấp phép xây nhà cao tầng để ở hoặc kinh doanh; Được cấp sổ đỏ...

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần