Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả ơn suốt đời cũng không hết

Thủy Tiên - Thủy Trúc (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), sáng 27/7, các đại biểu đều bày tỏ lòng tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đồng đội, chiến sỹ của mình ngã xuống năm xưa.

Được như ngày hôm nay cũng là từ máu xương của liệt sỹ
Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu chia sẻ: 50 năm trong quân đội, điều tôi không bao giờ quên đó là những chiến sỹ - đồng đội của tôi, trước khi hy sinh đã dặn tôi tiếp tục chiến đấu đến cùng để giải phóng đất nước.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (bên trái).
Sư đoàn tôi có 1 vạn 4 ngàn liệt sỹ. Họ đã hy sinh để cho tôi sống. Cho nên quân hàm trên vai, Huân chương, Anh hùng quân đội mà tôi đang đeo này là máu là xương của các liệt sỹ. Tôi nói với các con tôi rằng: Con người bố đang sống 80% là do xương máu của các chú các bác liệt sỹ dựng nên, còn 20% là của ông bà. Các con phải sống như thế nào để trả ơn các bác các chú, sống sao cho xứng đáng với công lao, hy sinh của thế hệ trước.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã làm rất tốt chính sách Thương binh liệt sỹ, nhưng với gia đình thương binh liệt sỹ càng phải làm tốt hơn nữa. Tôi cũng có niềm mong mỏi đối với thế hệ thanh niên thấu hiểu sự cống hiến, hy sinh của thế hệ trước để có cuộc sống hôm nay, làm sao cùng nhau chung sức để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, vì đó là cách trả ơn các anh hùng liệt sỹ xứng đáng nhất.
Chỉ mong lớp trẻ kế tiếp truyền thống vẻ vang
Thương binh 4/4 Phạm Đình Trọng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết: Tôi là lính bộ binh, tham gia chiến trường từ năm 1970 đến năm 1975. 5 năm ấy, tuy thời gian không dài nhưng tôi và các đồng đội đã từng đối mặt với những sự ác liệt nhất của trận chiến, giữa cái sống và chết rất mong manh. Cũng bởi, lính bộ binh rất vất vả và khốc liệt. Nhiệm vụ của chúng tôi là chiếm từng điểm cao, giữ từng vị trí. Tham gia 15 trận đánh thì có 2 trận tôi bị thương ở sau gáy và ở bụng. Mãi đến năm 1986 viên đạn cuối cùng mới được lấy ra khỏi người tôi.
Thương binh Phạm Đình Trọng.
Được Nhà nước cử đi học Trường Sỹ quan lục quân 1, Học viện Quốc phòng, sau đó tôi được phân công công tác ngay tại nơi này. Đây là điều kiện thuận lợi để tôi chuyển tải đến lớp sinh viên trẻ thông điệp về việc chúng tôi vượt qua được những năm tháng cam go ác liệt là nhờ sự giáo dục của Đảng, chở che đùm bọc của nhân dân. Và, một yếu tố rất quan trọng là nguồn cội để làm nên chiến thắng của dân tộc, chính là cái tình đồng đội. Chính vì thế, tôi chỉ có mong ước lớp trẻ kế tục được truyền thống vẻ vang của dân tộc để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Trong cuộc sống đời thường hôm nay, đảm nhiệm vai trò của người tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, tôi vẫn luôn mang trong mình phẩm chất của bộ đội cụ Hồ, tiếp tục cống hiến để cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Chỉ mong các đồng đội sớm được trở về quê hương
Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Đức, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh chia sẻ: Chiến tranh đã qua đi 42 năm nhưng ngay lúc này, được tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ cấp quốc gia vô cùng trang trọng tôi lại nhớ đến những người đồng đội của mình.
Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Đức.
Những năm từ 1974 đến 1979, trong một trận đánh nhau giáp lá cà, trung đội của tôi có 33 người chỉ có 4 người còn sống. Trận chiến ấy, tôi bị đạn xuyên phải vào hộp sọ, vỡ khớp háng và mất một bên tinh hoàn. May mắn thay, tôi được các giáo sư bác sĩ cứu sống nhưng không thể làm được việc gì nặng nhọc. Khi về hưu, tôi phụ giúp vợ trông con và bây giờ trông cháu cũng như bảo ban con cháu học hành và làm việc cho thật tốt.
Những ngày này, tôi và những đồng chí được xem những thước phim tài liệu nói về người có công, đi tìm đồng đội, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Mong ước lớn nhất lớn nhất của tôi lúc này là kính đề nghị Đảng và Nhà nước giúp chúng tôi tìm kiếm, quy tập liệt sĩ về nghĩa trang quê hương để họ yên nghỉ. Đây cũng là cách giúp gia đình họ thực hiện tâm nguyện với người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc. Là người trực tiếp chôn 7 đồng đội ở thị xã Long Khánh (Đồng Nai), nhưng vì chân cứng khớp đi lại không được nên tôi đã điện thoại cho chương trình Đi tìm ký ức để họ giúp tôi thực hiện ý nguyện của mình. 
Cần quan tâm hơn đối với những nữ bộ đội, TNXP “quá lứa lỡ thì”

Chủ tịch Cựu TNXP huyện Mê Linh Trần Thị Liệu cho biết: Tôi tham gia chiến trường năm 1972 khi mới 21 tuổi, làm Chính trị viên Đại đội TNXP. Lệnh báo vào trận rất gấp, nhận tối hôm trước sáng hôm sau tôi đã lên đường đi thẳng vào miền Trung. Thời đó, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Quả thật lúc đó, TNXP chúng tôi chỉ hy vọng rằng nếu có phải chết thì là chúng tôi chứ đừng là các chiến sỹ. Nghĩ lại, nếu quả bom nổ dưới hầm lúc đó, chắc tôi đã chết từ năm 1972. Ngày ấy, mặc dù còn rất trẻ nhưng thế hệ TNXP chúng tôi đã xác định đã ra chiến trường thì phải chiến đấu và phải lập công với đất nước.
Chủ tịch Cựu TNXP huyện Mê Linh Trần Thị Liệu.

Đơn vị chúng tôi có 150 người thì 40% là nữ, hầu hết đều là những chị lần đầu tiên xa nhà. Trọng trách hay cái chết nơi chiến trường cũng chẳng khiến chúng tôi sợ, chỉ nhớ nhà. Đến Tết là “khóc như ri”, nhưng khi có nhiệm vụ thì sẵn sàng làm hết mình.
Đến khi trở về, tôi may mắn được về công tác ở huyện Mê Linh. Cả đời tôi làm Chủ tịch: 25 năm làm Chủ tịch Phụ nữ, 10 năm làm Chủ tịch Cựu TNXP. Ngay từ đầu, tôi đã có suy nghĩ mình phải cố gắng làm sao để giúp đỡ được cho đồng đội về chính sách, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Đến nay, Cựu TNXP của huyện đã hỗ trợ cho 500 TNXP về cơ bản hoàn thành hồ sơ chính sách. Thành hội, các cơ quan, doanh nghiệp giúp đỡ xây mới, sửa chữa 5 ngôi nhà cho 13 chị TNXP không có gia đình, làm các sổ tiết kiệm từ 3 đến 5 triệu hoặc quà tết cho mọi người, trên 1000 hội viên được quà tết...
Thực ra, nữ TNXP rất thiệt thòi, đặc biệt là lớp nữ bộ đội, TNXP. Mặc dù Nhà nước đã cố gắng rất nhiều để hoàn thiện chính sách cho người có công, nhưng tôi vẫn hy vọng các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đối với những đối tượng TNXP, đặc biệt là nữ TNXP không có gia đình, hiện nay đang phải sống trong cảnh già nua bệnh tật.