Trách nhiệm bồi thường 4.000 tỷ đồng thuộc về ai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong 5 ngày qua, vụ án "siêu lừa" Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục được Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử.

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như cũng như xác minh các nguồn tiền của các nguyên đơn dân sự, bị hại được HĐXX làm rõ. Tuy nhiên, trách nhiệm về việc bồi thường số tiền gần 4.000 đồng tỷ, hiện vẫn đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

VietinBank bác trách nhiệm bồi thường

Trong các phiên xử vừa qua, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như đối với việc chiếm đoạt 210 tỷ đồng của Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), 125 tỷ đồng của Công ty Toàn Cầu, 380 tỷ đồng của Công ty CP Chứng khoán Phương Đông (Công ty Phương Đông), 170 tỷ đồng của Công ty An Lộc, 180 tỷ đồng của Ngân hàng VIB...

 
Bị cáo Huyền Như tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Phùng Bắc
Bị cáo Huyền Như tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Phùng Bắc

Đối với hành vi Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), án sơ thẩm tuyên buộc Như phải hoàn trả 210 tỷ đồng cho SBBS. Phía Công ty SBBS có kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm liên quan đến SBBS, đề nghị HĐXX phúc thẩm yêu cầu VietinBank hoàn trả toàn bộ số tiền cho SBBS. Tại phiên tòa, đại diện VietinBank cho biết, VietinBank không chịu trách nhiệm về số tiền này.

Đối với nguồn tiền 125 tỷ đồng đã được Công ty Toàn Cầu gửi vào tài khoản của họ tại VietinBank. Bản án sơ thẩm xác định toàn bộ số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt và buộc Huyền Như phải bồi thường. Tuy nhiên, Công ty Toàn Cầu đã kháng cáo, yêu cầu VietinBank phải hoàn trả toàn bộ số tiền trên kèm lãi. Đại diện VietinBank cho rằng, việc Toàn Cầu gửi tiền vào VietinBank là trái luật, có thể do Công ty Toàn Cầu hám lợi, không quản lý biến động của tài khoản, VietinBank khẳng định không chịu trách nhiệm về giao dịch bất hợp pháp. Do vậy, VietinBank sẽ không chịu trách nhiệm về số tiền này. Đáng lưu ý, trong phiên tranh tụng, luật sư bảo vệ quyền lợi cho Toàn Cầu đã dẫn văn bản do lãnh đạo VietinBank TP Hồ Chí Minh xác nhận nguồn tiền 125 tỷ đồng do Toàn Cầu gửi vào VietinBank là hợp pháp.

Vẫn với thủ đoạn dùng vượt trần lãi suất làm "mồi nhử" Huyền Như chiếm đoạt tiền của Công ty CP Đầu tư An Lộc và Công ty Phương Đông. Theo bản án sơ thẩm, bị cáo đã chiếm đoạt của 2 công ty này số tiền 550 tỷ đồng. Phía đại diện VietinBank cũng bác trách nhiệm đối với số tiền này.

Làm rõ vi phạm về quy định cho vay

Ngày 19/12, phiên xét xử Huyền Như và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo bị bản án sơ thẩm kết tội "vi phạm quy định cho vay về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với các bị cáo nguyên là cán bộ của Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng và Điện Biên Phủ Chi nhánh VietinBank TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, từ ngày 13/5 - 10/2011, khi được Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền bằng hình thức thế chấp thẻ tiết kiệm, khách hàng không có mặt, đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục, Đoàn Lê Du (34 tuổi, nguyên Trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) đã chỉ đạo nhân viên Phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng đứng tên 16 cá nhân, vay tổng cộng 239 tỷ đồng. Việc vay này được thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB, NaviBank có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Trong số này, chỉ 6 người được bị cáo Như nhờ đứng tên vay 70 tỷ đồng trên 13 khoản vay có mặt tại Phòng giao dịch để ký hồ sơ, những người còn lại không có mặt. Bản án sơ thẩm xác định hành vi của Đoàn Lê Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng là vi phạm quy định với mức án 17 năm tù. Du kháng cáo kêu oan cho rằng mình chỉ có lỗi do vô ý chứ không cố ý.

HĐXX yêu cầu Đoàn Lê Du chứng minh mình bị oan và lỗi do vô ý nhưng Du không đưa được bằng chứng gì. HĐXX cũng cho công bố bút lục là bản tường trình của Du... HĐXX khẳng định, Du biết rõ và chắc chắn khoản nào cần tất toán dù việc làm này là sai quy trình và vi phạm quy định cho vay. Bị cáo Du thừa nhận, việc cho vay này không tự ý làm mà đã báo cáo lãnh đạo chi nhánh, các lãnh đạo chi nhánh đều biết rõ những khoản vay bất hợp pháp từ điểm giao dịch của Như chuyển sang.

Sau khi HĐXX dẫn ra các quy định về cho vay, những việc Du không thực hiện theo đúng quy trình, Du cho rằng do kiến thức pháp luật hạn chế và xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa thẩm vấn các bị cáo Bùi Ngọc Quyên, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Huỳnh Trung Chí với tội danh "vi phạm quy định về cho vay". Ngoài bị cáo Đoàn Lê Du, HĐXX xem xét 15 bị cáo khác cùng phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay...". Đa số các bị cáo xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Theo đánh giá của tòa cấp sơ thẩm, đối các bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt một khối lượng tiền khổng lồ, hậu quả là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cá nhân và mất đi một lực lượng cán bộ ngân hàng - những người đều có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Tuy nhiên vì cả nể Huỳnh Thị Huyền Như mà phạm tội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần