Trách nhiệm của doanh nghiệp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 6/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã liên tục công bố danh tính hàng loạt DN Việt có quảng cáo xuất hiện trong các clip phản động, chống phá Nhà nước trên mạng Youtube.

Đáng chú ý, trong số đó có nhiều thương hiệu lớn trong nước như Tập đoàn FLC, Công ty KIDO, Samsung Vina, FPT shop...
Thực tế, tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay và chỉ khi Bộ TT&TT quyết liệt vào cuộc từ đầu năm 2017, việc thương hiệu Việt xuất hiện trên clip có nội dung xấu, phản động mới tạm thời được khắc phục. Nhưng bẵng đi một thời gian, tới đầu năm 2019, tình trạng trên lại lặp lại.
Về khía cạnh DN, họ đã vô tình tự biến mình thành đối tượng bị hại khi phó mặc việc chạy quảng cáo trên môi trường mạng cho các đại lý (agency). Trong khi đó, chính một đại lý trong số này đã từng thừa nhận trên các phương tiện truyền thông rằng, không thể kiểm soát được việc thương hiệu của khách hàng xuất hiện trên các clip Youtube có nội dung độc hại. Và để DN không bị tổn hại uy tín trước thực trạng trên chỉ còn cách duy nhất là không chọn nền tảng video nói trên để quảng bá thương hiệu.
Cũng có không ít DN nhằm tiết kiệm chi phí đã mua quảng cáo trực tiếp với Youtube mà không lường trước được hậu quả. Bởi đây không chỉ là hành động vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam mà còn gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước khi dòng tiền quảng cáo từ DN lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động. Trong khi đó, ngay chính Youtube cũng bất lực trong việc kiểm soát tình trạng gây mất an toàn, uy tín của thương hiệu như vậy.
Trước hiện trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên, DN trong nước cần mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tàng của Việt Nam, bởi các đơn vị này tuân thủ pháp luật tốt hơn rất nhiều so với các nền tảng xuyên biên giới. DN mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn còn chi phí một nền tảng xấu độc là vô hình chung tiếp tay để hại đất nước mình.
“Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì thì người đó, cái đó sẽ phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu. Bởi vậy, tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các DN chi tiền vào đâu. Các DN hãy cân nhắc mỗi hành động của mình” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để bảo vệ cho sự an toàn của DN trong nước nói riêng và không gian mạng của Việt Nam nói chung, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định: Chính phủ sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Việt Nam không chào đón các DN nước ngoài vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
“Các bạn kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của các bạn phải càng lớn hơn. Các bạn phải thấy có tội khi trả tiền cho một video xấu độc, gây hại cho người Việt Nam, cho con cháu những người Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắn gửi.